Để hiện thực hóa mục tiêu đưa TP Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh vào năm 2030, Hải Phòng đã tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách để đạt được những kết quả phát triển vượt bậc.
Theo khảo sát của Ban quản lý (BQL) khu kinh tế (KKT) Hải Phòng, đến hết quý II, tổng số lao động đang làm việc tại các KKT, khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đạt khoảng hơn 200.820 người.
Đến năm 2025, TP Hải Phòng cần bổ sung hơn 82.700 lao động qua đào tạo với trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.
Dự báo, đến năm 2025, Hải Phòng cần bổ sung thêm khoảng 82.700 lao động với trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, ở nhiều lĩnh vực như: logistics, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, điện. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 127.800 lao động.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, nguồn nhân lực ở hầu hết các ngành nghề tại Hải Phòng luôn ở tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gần đây nhất, tổng kết sau 10 tháng năm 2024, Sàn giao dịch việc làm tại Hải Phòng đã tổ chức 55 phiên giao dịch với sự tham gia của 930 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 124.070 lao động.
Kết quả, số lượng lao động vượt qua được vòng sơ tuyển chỉ đạt khoảng 16.530 lượt người, mới chỉ đáp ứng được khoảng 13,32% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp nhựa KYOWA cho biết, hiện tại số lượng đơn hàng của công ty đang tăng lên, nhu cầu tuyển dụng, nhất là nhân lực chất lượng cao của công ty rất lớn song số lượng ứng viên lại không đáp ứng được, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình sản xuất.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng và BQL KKT Hải Phòng đã và đang nỗ lực tập trung tìm ra các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đây là vấn đề được thành phố đặt lên hàng đầu, ưu tiên đầu tư nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, đất nước.
Thông qua các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo, giáo dục, các chính sách đặc thù sẽ góp phần nâng cao năng lực cho lao động tại địa bàn; đồng thời cũng thu hút thêm lao động có trình độ chuyên môn về làm việc tại các KCN, KKT của Hải Phòng trong thời gian tới.
Theo Phạm Thị Huyền, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng, cùng với mô hình hợp tác thực hành, thực tập, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đóng góp kiến thức chuyên môn vào xây dựng giáo trình giảng dạy, hỗ trợ chuyên gia thỉnh giảng.
Doanh nghiệp có điều kiện tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo tại các trường, bảo đảm hoạt động dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực thực tế của doanh nghiệp.
Đến nay, TP Hải Phòng đã và đang sắp xếp, tổ chức mạng lưới GDNN theo định hướng mở, phân bổ hợp lý lao động theo cơ cấu ngành linh hoạt, hiện đại; các ngành kinh tế mũi nhọn. Nhằm tạo cú hích cho hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp phải cùng các cơ sở giáo dục tham gia vào công tác đào tạo nhân lực.
Cùng với những cải cách trong giáo dục đào tạo, đào tạo nghề TP Hải Phòng cũng liên tục tìm giải pháp chính sách mới, nâng cao chế độ đãi ngộ về học tập, lương thưởng, nhà ở xã hội, thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, giúp nâng cao nhận thức, đời sống tinh thần của người lao động... góp phần thu hút nhân lực từ các địa phương trên cả nước, nhất là lao động tri thức cao về cống hiến, ổn định cuộc sống tại Hải Phòng.
Những giải pháp nâng cao của TP Hải Phòng đã và đang góp phần đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn thành phố, gắn với nhu cầu của thị trường lao động, yêu cầu phát triển của thành phố.
Đây là nền tảng vững chắc để Hải Phòng trở thành một trong những “nôi đào tạo” nhân lực chất lượng cao hàng đầu của cả nước.
Phương Minh
Báo Lao động và Xã hội số 146