Trong chuyến thăm Hungary gần đây, Waka Konohana, bình luận viên của báo Japan Times ấn tượng mạnh bởi thái độ rất khác biệt của nhiều người Hungary trong độ tuổi từ 16 đến 29 đối với việc mong muốn kết hôn và lập gia đình, điều mà bà hiếm khi được gặp ở quê nhà Nhật Bản.
Kinga Joo, thành viên của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu thuộc Liên minh châu Âu và là cố vấn quốc tế tại Hiệp hội Gia đình Lớn Hungary cho biết, phần lớn phụ nữ trẻ ở Hungary muốn có con, thậm chí là 2 đến 3 con.

Chính phủ Budapest đã áp dụng các chính sách toàn diện để giảm bớt rào cản đối với những người muốn lập gia đình, mục tiêu là "thay đổi quan điểm của xã hội rằng trẻ em không phải là gánh nặng mà là giá trị”. Hungary đã ghi nhận tỷ lệ sinh tăng đáng kể từ 1,23 lên 1,59 trong giai đoạn 2010 - 2021.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh của Nhật Bản tiếp tục giảm qua từng năm, xuống mức thấp kỷ lục là 1,2 vào năm ngoái. Ở Nhật Bản, chỉ 16,5% thanh thiếu niên từ 17 đến 19 tuổi tin rằng sẽ kết hôn. 1/3 nam và nữ độc thân trong độ tuổi từ 20 đến 40 cho biết chưa từng có mối quan hệ yêu đương.
Mặc dù tỷ lệ sinh của Hungary vẫn chưa đủ để duy trì quy mô dân số (ngưỡng đủ là 2,1) nhưng đây cũng là một hình mẫu đáng chú ý đối với những quốc gia đang đối mặt với tỷ lệ sinh giảm như Nhật Bản.
Các chính sách về gia đình của Hungary dựa trên 3 trụ cột chính. Trụ cột thứ nhất và thứ hai là các ưu đãi tài chính và trợ cấp nhà ở, bao gồm các khoản giảm thuế cho cha mẹ dựa trên số con mà họ sinh và miễn thuế thu nhập trọn đời cho phụ nữ có từ 4 con trở lên.
Hungary cũng áp dụng các “khoản vay cho con nhỏ”. Theo đó, các cặp vợ chồng trẻ càng có nhiều con, số nợ họ phải trả càng ít, thậm chí giảm xuống còn 0 nếu họ có 3 con. Ngoài ra, các gia đình cũng nhận được trợ cấp và khoản vay lên tới hàng chục nghìn USD để mua hoặc xây nhà, với số tiền tăng lên cho mỗi con được sinh thêm.
Trụ cột thứ ba trong chính sách về gia đình của Hungary là đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chính phủ Hungary cũng cho phép chế độ nghỉ thai sản hào phóng cho cha mẹ và ông bà, đồng thời tăng số lượng nhà trẻ lên khoảng 60% trong một thập niên qua, kể từ năm 2010.
Ở Hungary, cha mẹ đều có thể được nghỉ phép có lương trong 160 tuần sau sinh, cho đến khi trẻ lên 3 tuổi.
Chính sách này đã góp phần làm tăng số lượng ông bố nghỉ phép để chăm con ở Hungary lên đến khoảng 30%, theo Eniko Ujvari, cựu phó chủ tịch chương trình cân bằng giữa công việc và cuộc sống tại Phong trào Ba Hoàng tử và Ba Công chúa - tổ chức phi lợi nhuận của Hungary hỗ trợ những người trẻ muốn lập gia đình.
Ở Nhật Bản, chỉ 17% ông bố làm như vậy. Các công ty Nhật Bản thường yêu cầu giờ làm việc dài, với 15,7% nhân viên làm việc trung bình 50 giờ trở lên mỗi tuần, trong khi chỉ 1,5% nhân viên ở Hungary có số giờ làm việc như vậy.
Ở Hungary, cả nhân viên bán thời gian và toàn thời gian đều được hưởng tối thiểu 20 ngày nghỉ phép có lương mỗi năm và con số này tăng theo độ tuổi. Trong khi đó, số ngày nghỉ phép của nhân viên Nhật Bản ít hơn nhiều.
Chương trình giáo dục về đời sống gia đình của Hungary cũng mang lại nguồn cảm hứng cho người dân. Được triển khai năm 2014, chương trình này có tất cả nội dung về giáo dục giới tính, tình dục và các mối quan hệ; đồng thời khuyến khích những người trẻ, đặc biệt là nữ giới theo đuổi sự nghiệp và ước mơ của mình trong khi vẫn có con.
"Giáo dục giới tính trước đây chủ yếu tập trung vào cách bảo vệ bản thân khỏi hành vi tình dục không mong muốn, mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng đã đến lúc cũng cần nói về những mặt tích cực như học cách tạo điều kiện để lập gia đình, có con và sinh con", chuyên gia Joo cho biết.
Trong các cuộc trò chuyện với sinh viên đại học ở Hungary, Waka Konohana đã rất ấn tượng trước sự háo hức của họ khi thảo luận về giáo dục giới tính và mối quan hệ của họ. Ví dụ, một sinh viên luật 20 tuổi đã nói với tôi rằng cô ấy "đã học về giao tiếp và tâm lý trong một mối quan hệ yêu đương" và đã lên kế hoạch học thạc sĩ, trong khi vẫn sinh 2 - 3 con.
Tương tự, một nữ sinh viên tâm lý 19 tuổi, đang trong một mối quan hệ yêu đương và muốn lấy bằng tiến sĩ cho biết, "việc dành thời gian chất lượng cho nhau" là điều quan trọng nhất trong một mối quan hệ yêu đương.
Konohana cũng rất ấn tượng khi thấy tất cả sinh viên nam, bao gồm một số người đang chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ, đều muốn thay phiên nghỉ phép cùng bạn đời chăm sóc con để hỗ trợ sự nghiệp của nhau.
Thàng Đạt (theo Japan Times)
Báo Lao động và Xã hội số 97