Trong một nền văn hóa mà các mối quan hệ gia đình rất được coi trọng như Indonesia, quyết định không sinh con có thể giống như bơi ngược dòng. Dewi, chuyên gia tiếp thị 37 tuổi sống tại Jakarta hiểu rõ điều này.
Kết hôn gần 9 năm, cô và chồng thường xuyên nhận được những câu hỏi về kế hoạch sinh con. "Đôi khi những câu hỏi này đến từ người thân", Dewi nói với chút bực bội. "Những lần khác, chúng đến từ những người trong cộng đồng hoặc thậm chí là đồng nghiệp".
Áp lực phải tuân theo những kỳ vọng truyền thống rất lớn. “Nhiều người không tin chúng tôi không muốn có con. Họ cứ hỏi như thể thuyết phục chúng tôi. Nhưng tất nhiên, chúng tôi đã không dễ dàng đưa ra quyết định này và cũng sẽ không dễ dàng thay đổi suy nghĩ của mình", cô nhấn mạnh.
Câu chuyện của Dewi cho thấy sự thay đổi về quan điểm ở Indonesia và trên khắp châu Á, nơi ngày càng có nhiều cặp đôi lựa chọn không sinh con. Tỷ lệ phụ nữ Indonesia đã kết hôn trong độ tuổi từ 15 đến 49 không có con đã tăng từ 7% năm 2019 lên 8,2% vào năm 2022, theo các cuộc khảo sát do Cục Thống kê Indonesia thực hiện.
Nhưng theo cơ quan này, những con số có thể không phản ánh đúng xu hướng vì chúng bao gồm cả phụ nữ không sử dụng biện pháp tránh thai. Nếu chỉ tính những cặp đôi sử dụng biện pháp tránh thai, tỷ lệ này có thể cao hơn đáng kể.
Sống theo lối sống không con cái ở châu Á là một thách thức vì đây là khu vực rất coi trọng các giá trị gia đình. Các nhà hoạch định chính sách của Indonesia cũng đã nêu lên những lo ngại về rủi ro nhân khẩu học tiềm ẩn.
Đối với Dewi, việc thuyết phục cha mẹ và gia đình chồng rằng cô và chồng sẽ không sinh con không phải là quá trình “đơn giản hay dễ dàng”. "Chúng tôi may mắn, cha mẹ chúng tôi đã có cháu rồi", cô cho biết cả cô và chồng đều có anh chị em ruột đã có con.
Bức tranh cuộc sống gia đình đang thay đổi ở Indonesia, với số lượng cuộc hôn nhân liên tục giảm, từ hơn 2 triệu vào năm 2018 xuống chỉ còn 1,57 triệu vào năm ngoái, theo Cục Thống kê Indonesia.
Dewa Wisana, giảng viên kinh tế và nhà nghiên cứu nhân khẩu học tại Đại học Indonesia cho rằng, xu hướng này là do phụ nữ được tiếp cận giáo dục và việc làm tốt hơn, cùng với những nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ tảo hôn ở nước này.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của nam giới tại Indonesia là 27,1 và nữ giới là 22,4 vào năm 2017, tăng đáng kể so với năm 1971, khi đó độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 23,8 đối với nam giới và 19,3 đối với nữ giới.
Chuyên gia Dewa cho rằng, việc kết hôn muộn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến số lượng phụ nữ không có con ngày càng tăng ở nước này.
Veronica Tan, Thứ trưởng Bộ Trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em nhận định, một số phụ nữ có trình độ học vấn cao chọn không sinh con vì hiểu rõ về kế hoạch hóa gia đình và an ninh tài chính.
“Họ biết rõ việc sinh con có thể là gánh nặng nếu không có sự chuẩn bị thích hợp. Nhiều phụ nữ nghĩ nếu không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống chất lượng, tại sao lại sinh con?", bà nhấn mạnh.
Nhà văn, luật sư Wisnu Dhani ở Jakarta cho biết, quyết định không sinh con của cô bắt nguồn từ mối lo ngại về tình trạng dân số và tiêu dùng tăng. "Tại sao lại tạo ra thêm nhiều vấn đề khi đang có rất nhiều trẻ em không có cha mẹ?", cô đặt ra câu hỏi.
Số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ sinh tổng thể của Indonesia, biểu thị số con mà một phụ nữ dự kiến có trong suốt cuộc đời, đã giảm xuống còn 2,14 vào năm 2023 từ mức 5 vào năm 1971.
Các nhà phân tích cho rằng, sự suy giảm là do các chiến dịch như keluarga berencana (kế hoạch hóa gia đình) mà chính phủ Indonesia phát động vào những năm 1970 nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng chỉ sinh tối đa 2 con.
Một số nhà hoạch định chính sách đã lo ngại về những tác động của tỷ lệ sinh giảm. Hasto Wardoyo, người đứng đầu Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia đã phải đối mặt với phản ứng trái chiều vì đề xuất mọi phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi để đảm bảo "tăng trưởng dân số cân bằng".
Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng chính phủ có thể hỗ trợ các gia đình muốn sinh con bằng cách giải quyết các vấn đề về chi phí sinh hoạt cũng như cải thiện chế độ nghỉ phép chăm sóc con, chế độ làm việc linh hoạt và trợ cấp chăm sóc trẻ em.
Đối với những cặp đôi như Renaldi (31 tuổi) - người môi giới bất động sản ở Bandung và vợ anh là Alyssa (30 tuổi) - chuyên gia pháp lý, sự ổn định tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi đều đang đi làm và muốn ổn định về mặt tài chính trước khi có con. Chúng tôi không cảm thấy vội vã”, anh nói.
Họ lần đầu thảo luận về việc có con ngay từ lần hẹn hò thứ 2, vào 6 năm trước. Giờ đây, sau gần 3 năm chung sống, họ quyết tâm kiếm thêm khoản tiết kiệm trước khi làm cha mẹ. Điều này khiến họ chịu nhiều áp lực từ gia đình.
“Mẹ tôi và ông bà rất kiên quyết. Đôi khi tôi cảm thấy buồn vì họ xem thường vợ tôi vì điều này. Nhưng chúng tôi vẫn còn trẻ. Hầu hết bạn bè tôi đã có con, vì vậy chúng tôi có chút áp lực. Nhưng bạn không nên làm một điều chỉ vì mọi người đều làm như vậy", anh giải thích.
Đức Hoàng (theo SCMP)
Báo Lao động và Xã hội số 148