Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Kế toán không phải chịu trách nhiệm về sai phạm khi có ý kiến khác cấp trên

Thành Công
Thành Công

Sửa Luật Kế toán, Bộ Tài chính bổ sung quy định về việc kế toán có ý kiến khác với cấp trên và bảo lưu ý kiến thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành chỉ đạo của cấp trên.

Cụ thể, tại dự thảo 1 luật sửa 7 Luật do Bộ Tài chính soạn thảo, liên quan đến sửa Luật Kế toán, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về việc người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Quy định này sẽ giúp cho người làm kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp, yên tâm công tác, mạnh dạn có ý kiến khi phát hiện chỉ đạo của cấp trên sai nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp, từ đó góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại đơn vị.

ke-toan-nghe-nghiep.jpg
Bổ sung quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán (Ảnh minh họa: TNI).

Ngoài ra, bổ sung quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán.

Bộ Tài chính cho biết, lý do lựa chọn chính sách nhằm quy định rõ hơn nhiệm vụ thẩm quyền của Bộ Tài chính trong việc ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, Chế độ kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật khác về kế toán.

Bên cạnh đó, có cơ sở giao cho các bộ, ngành quản lý chuyên sâu thẩm quyền hướng dẫn chế độ kế toán, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ hệ thống chuẩn mực do Bộ Tài chính quy định.

Điều này giúp cho hoạt động quản lý nhà nước tập trung nhưng cũng được phân cấp phù hợp để các chính sách chung đi vào cuộc sống đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Cũng liên quan đến sửa Luật Kế toán, Bộ Tài chính đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán của Bộ Tài chính, bộ, ngành khác, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh.

Cụ thể, về trách nhiệm của Bộ Tài chính: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kế toán, có các nhiệm vụ, quyền hạn về xây dựng, trình Chính phủ quyết định chiến lược, chính sách phát triển kế toán; ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kế toán.

Ngoài ra, ban hành theo thẩm quyền Chuẩn mực về kế toán của Việt Nam, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, Chế độ kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật khác về kế toán; hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán tại Việt Nam.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Như: Tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về kế toán; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng ban hành chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài của tổ chức tín dụng thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực về kế toán quy định trong Luật này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán tại địa phương như chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật về kế toán;

Tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán và xử lý vi phạm pháp luật về kế toán đối với các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực kế toán thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Về nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán theo hướng người đứng đầu và người đại diện theo pháp luật của các đơn vị chịu trách nhiệm thực thi chính sách.

Theo Bộ Tài chính, việc quy định về trách nhiệm người đứng đầu giúp nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; hoàn thiện quy định của pháp luật và phù hợp với các luật khác để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý tài chính, tài sản công.

Đồng thời, tạo điều kiện để xử lý vi phạm khi người đứng đầu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí tại các đơn vị công.

Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên để đảm bảo Luật Kế toán có sự phù hợp và đồng bộ với các quy định khác của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật, đồng thời tránh được sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật.