Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Khốn đốn vì khó tìm giúp việc

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cứ sau Tết Nguyên đán, khi người lao động trở lại làm việc cũng là lúc nhiều gia đình tại Hà Nội rơi vào tình trạng “khủng hoảng” vì thiếu người giúp việc.

Bởi nhiều người giúp việc đột ngột thông báo nghỉ làm khiến các gia đình không kịp trở tay.

Nhận thưởng tết rồi “lặn mất tăm”

Bé thứ 3 của chị Minh Thư (huyện Hoài Đức, Hà Nội) mới được 4 tháng tuổi. Để chuẩn bị cho thời gian sắp tới đi làm trở lại và hỗ trợ chị chăm sóc 2 cậu con trai 4 và 10 tuổi, ngay những tháng ở cữ, chị Thư đã thuê người giúp việc. Thế nhưng sau tết, đã quá hẹn 4 hôm, chị Thư đợi mãi không thấy người giúp việc quay trở lại.

Khốn đốn vì khó tìm giúp việc - 1
Sau tết, nhiều gia đình có người già, trẻ nhỏ cần chăm sóc rơi vào tình trạng “khủng hoảng” vì thiếu người giúp việc.

"Trước tết, tôi thuê bác giúp việc với giá 7,5 triệu đồng/tháng. Công việc chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu bữa trưa, tối và phụ trông bé khi tôi đi làm lại.

Ngày 22 tháng Chạp, trong lúc công việc chuẩn bị cho tết đang lu bu, bác giúp việc xin về quê để cúng ông Công ông Táo và hẹn mùng 5 sẽ có mặt. Khi về, tôi đã mua quà biếu bác cùng tiền thưởng 1 tháng lương. Vậy mà đến giờ này, bác ấy vẫn bặt vô âm tín, gọi điện thì không nghe máy”.

Thời gian nghỉ thai sản sắp hết, những ngày này, vợ chồng chị cố gắng huy động mọi kênh thông tin để tìm người giúp việc. Tuy nhiên, gia đình vẫn chưa chọn được người nào đáng tin cậy.

"Người giúp việc thì nhiều, chỉ cần lên mạng tìm được ngay nhưng họ thế nào thì mình không rõ, không dám thuê. Vì vậy, tôi đang nhờ bà nội ở Yên Bái xuống trông con hộ một thời gian đợi tìm người giúp việc phù hợp”, chị Thư nói.

Hết kỳ nghỉ tết, dù đã huy động các mối quan hệ để giới thiệu giúp việc mà vẫn chưa được nên chị Nguyễn Thị Hiền (quận Hà Đông, Hà Nội) phải liên hệ trung tâm cung ứng dịch vụ giúp việc, đăng bài tìm kiếm trên các hội nhóm.

"Lương của cô giúp việc là 8 triệu đồng/tháng và thưởng tháng lương thứ 13. Công việc của cô là trông cháu nhỏ và không phải làm việc nhà. Trước tết, nhiều người khuyên nên giữ lại một tháng lương để ra tết quay lại làm việc thì trả đủ nhưng tôi nghĩ ai đi làm cũng muốn được nhận lương đủ và đúng ngày nên tôi không giữ đồng nào.

Hơn nữa, gia đình cũng muốn giữ mối quan hệ tốt và tin tưởng họ. Chỉ đến khi nhận được tin nhắn thông báo nghỉ đột ngột của người giúp việc, tôi mới thấm lời khuyên ấy”, chị Hiền nói.

Cùng chung cảnh bị giúp việc “bỏ bom” sau tết, chị Chu Thúy Vân (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, chị và bác giúp việc đã gắn bó với nhau 4 năm, phù hợp trong lối sống, tính cách và công việc.

Lúc tiễn bác về quê ăn tết, chị không quên thưởng thêm tháng lương thứ 13 cùng chút quà. Tuy vậy, cách đây vài ngày, chị nhận được tin nhắn báo nghỉ của bác bởi lý do cậu con trai thương mẹ vất vả, không đồng ý để mẹ lên thành phố làm.

Cũng có trường hợp người giúp việc tự động nghỉ làm bởi không phù hợp về lối sống và tính cách với gia đình người thuê. Nhiều người đã có ý định nghỉ từ trước nhưng sợ ảnh hưởng đến tiền thưởng tết nên vẫn cố làm. Sau tết, khi chủ nhà gọi điện đi làm lại, họ viện đủ lý do để thoái thác, nghỉ việc.

Tìm người qua trung tâm uy tín, ký hợp đồng rõ ràng

Khảo sát tại một số trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội và trên các trang mạng xã hội, giá thuê giúp việc bao ăn ở hiện khá cao, dao động từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Những gia đình có con nhỏ, người già cần chăm sóc sẽ có mức lương 8 đến 12 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền thưởng, tiền tàu xe mỗi lần về quê... Mặc dù vậy, việc tìm người giúp việc thời điểm sau tết cũng không dễ dàng.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhu cầu thuê người giúp việc sau tết tăng đột biến nhưng nguồn cung khan hiếm. Nhiều người quyết định ở lại quê, không quay lại thành phố làm việc hoặc tranh thủ tìm công việc mới có mức lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Bên cạnh đó, xu hướng làm giúp việc theo giờ đang trở nên phổ biến, thay vì ở lại nhà chủ cả ngày, nhiều lao động chọn làm theo giờ để linh hoạt thời gian và thu nhập cao hơn. Điều này gây khó khăn cho các gia đình cần người ở lại để chăm sóc trẻ nhỏ, người già...

Cũng theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, để tìm được người giúp việc phù hợp, gia đình nên nhờ người thân giới thiệu hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm, ứng dụng việc làm uy tín, đồng thời kiểm tra kỹ thông tin và hợp đồng trước khi tuyển dụng để tránh rủi ro. 

“Trước khi nhận người, chủ nhà cần ký hợp đồng nêu rõ ràng mức lương, thưởng, ngày nghỉ phép bằng giấy tờ và có chữ ký của cả hai bên, tránh hợp đồng miệng, dẫn đến mâu thuẫn về sau.

Chủ nhà cần tạo điều kiện cho người giúp việc có nơi ăn chỗ ở đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư của người giúp việc; hướng dẫn lịch trình, công việc, sở thích của các thành viên trong nhà và những điều cần tránh. Quan trọng nhất là tạo môi trường gia đình thân thiện để người giúp việc gắn bó lâu dài”, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lưu ý.

Thực tế, nhiều gia đình thuê người giúp việc không rõ lai lịch và đã bị mất trộm, thậm chí xảy ra bạo hành con trẻ. Người đứng đầu Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam từng cảnh báo, các gia đình nên lắp camera trong phòng chăm sóc trẻ để giám sát việc chăm sóc trẻ; đồng thời, cần lựa chọn người chăm sóc con kỹ lưỡng.

Trước khi thuê người giúp việc, cần kiểm tra người này có được đào tạo, tập huấn không và chỉ sử dụng dịch vụ từ các đơn vị uy tín, có hợp đồng ràng buộc rõ ràng. Không nên chủ quan giao con cho người lạ chỉ qua lời giới thiệu hoặc mạng xã hội, bởi điều đó rất dễ dẫn đến những vụ bạo hành đáng tiếc. 

Nguyễn Síu - Vân Khánh

Báo Lao động và Xã hội số 17

Tin liên quan