Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Kon Tum: Hiệu quả từ chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia việc làm

(Dân sinh) - Từ việc thực hiện chính sách cho vay vốn ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện rất nhiều điển hình về làm kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà cả ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, thực hiện  các chương trình tín dụng chính sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kon Tum đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kon Tum đã cung cấp số lao động được tạo việc làm hàng năm, số lao động được tạo việc làm thông qua vay vốn giải quyết việc làm và nhu cầu vốn; UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan cấp huyện, UBND cấp xã phối hợp tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch tín dụng đối với các chương trình tín dụng chính sách…Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, niêm yết công khai chính sách tín dụng ưu đãi tại các điểm giao dịch xã để nhân dân tiếp cận thông tin và thực hiện phù hợp cho người lao động.

Trong giai đoạn 2016 đến tháng 6/2021, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách vay vốn cho hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 20.000 lượt người tham gia... Kết quả, tính từ năm 2016 đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của tỉnh Kon Tum đạt 301,765 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm 73,973 triệu đồng với 4.202 dự án cho vay của người lao động và đã có 4.202 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nguồn vốn do ngân sách địa phương tỉnh (huyện/thành phố) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 105,792 tỷ đồng với 3.016 dự án của người lao động và đã có 3.016 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội 122 tỷ đồng cho vay 3.321 dự án của người lao động và có 3.321 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Ngoài ra, đối với chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh số cho vay từ nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm của tỉnh đạt gần 4 tỷ đồng với 80 người được vay vốn. Trong đó có 30 lao động nữ, 50 lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Kon Tum: Hiệu quả từ Chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia việc làm - Ảnh 1.

Chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm đã giúp nhiều người dân thoát nghèo

Như vậy, tính từ năm 2016 đến hết tháng 6/2021, chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia việc làm và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Kon Tum đã giúp 10.619 lao động được vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Qua theo dõi, kiểm tra cho thấy, 100% lao động được kiểm tra sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm cho lao động mới, tăng thu nhập, trả nợ đầy đủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi đến hạn. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp cũng đã kịp thời xử lý và ngăn chặn những sai sót, giúp chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác, nhân dân hiểu và thực hiện đúng chính sách tín dụng ưu đãi.

Đến nay, có thể khẳng định, việc cho vay hỗ trợ tạo việc, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã góp phần tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Về cơ bản, dự án vay vốn đều có tính khả thi, tạo ra lợi nhuận, tăng thu nhập cho người lao động, khách hàng có khả năng trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi đến hạn.

Bên cạnh đó, từ việc thực hiện chính sách cho vay vốn ưu đãi hỗ trợ tạo việc, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều điển hình về làm ăn kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, nhờ tham gia vay vốn hỗ trợ tạo việc, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bản thân người lao động được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, học hỏi khoa học kỹ thuật. Phong cách làm việc không chỉ thay đổi, mà còn thay đổi cả nhận thức trong làm ăn, nâng cao trình độ nghề nghiệp, đặc biệt là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận với nhiều phương pháp làm giàu để vươn lên thoát nghèo.