Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn, thu hút trên 15.000 lao động làm việc và có thu nhập cao (quần thể du lịch, dịch vụ cáp treo, vui chơi, giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa, Trung tâm thương mại Go! Lào Cai, Tập đoàn Biti’s; Công ty Cát Cát, các nhà máy thủy điện…).
Bên cạnh đó, những ngành nghề ở ngoài tỉnh như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, đóng giày, khai thác than… tại Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Ninh cũng đang thu hút 10.000 - 15.000 lao động của tỉnh.
Cùng với giải quyết việc làm trong nước, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Rumani, Đức, Singapore… đã giúp người lao động có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/tháng.
Có được kết quả trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đóng vai trò rất quan trọng trong việc thông tin, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm thực hiện cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, trong đó đặc biệt ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động cư trú trên địa bàn huyện nghèo, huyện biên giới, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Trung tâm phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định, phiên giao dịch việc làm di động và cả phiên giao dịch việc làm online.
Chỉ tính riêng tháng 11/2023, Trung tâm đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm (trong đó 2 phiên tổ chức tại Trung tâm; 5 phiên tổ chức tại các xã / huyện), nâng tổng số phiên giao dịch việc làm được tổ chức từ đầu năm đến nay lên mức 67 phiên giao dịch việc làm (trong đó 11 phiên tổ chức tại Trung tâm; 56 phiên tổ chức tại các xã/huyện). Từ đầu năm đến nay, có 1.640 người được Trung tâm giới thiệu việc làm.
Để tạo thị trường lao động đa dạng, linh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở Lao động - Thương binh Xã hội đã trình UBND tỉnh ban hành các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân, trong đó giao chỉ tiêu giải quyết việc làm cho các sở, ngành, địa phương.
Tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề trung ương để thống nhất nhu cầu đào tạo, xúc tiến ký cam kết đào tạo, cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Đặc biệt, Lào Cai cũng đã chủ động mời các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, TKV, Sungroup, Vingroup… tuyển dụng lao động của tỉnh đi làm việc.
Theo ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm DVVL Lào Cai, tỉnh Lào Cai có nhiều thành phần dân tộc, trình độ dân trí thấp, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động, việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Có những lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến chế độ được hỗ trợ: học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Nhiều người lao động không có nhu cầu tìm việc qua Trung tâm mà tự tạo việc làm ở gia đình.
Một số nghề người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học thì trên địa bàn tỉnh lại không thường xuyên mở lớp, do số lượng đăng ký học không nhiều để mở đủ lớp. Khi có lớp thì họ lại hết thời gian được hỗ trợ học nghề.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương để kịp thời kết nối, cung ứng lao động, nhất là nắm nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư đã có dự án hoặc đang nghiên cứu đầu tư vào Lào Cai.