Trong bối cảnh hội nhập và phát triển không ngừng của xã hội, việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo uy tín không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra những cơ hội học tập suốt đời cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận kiến thức hiện đại, thực tiễn và phù hợp nhu cầu thị trường lao động.

Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ sở đào tạo nhằm tăng cường và phát triển hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cấp bằng đại học hình thức vừa làm vừa học, loại hình đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học; cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước trên cơ sở bình đẳng, đảm bảo lợi ích hai bên và người học, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, tin cậy, cùng phát triển bền vững.
Về lĩnh vực tuyển sinh, hai bên thống nhất về các ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh theo quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai bên cùng xây dựng nội dung kênh fanpage để truyền thông hình ảnh chính thống nhằm lan tỏa thông tin tuyển sinh tới xã hội.
Về lĩnh vực đào tạo, hướng nghiệp, hai bên thống nhất về khung chương trình đào tạo, mã ngành đào tạo và cách thức tổ chức đào tạo các học phần trong chương trình đào tạo theo quy định, quy chế của Đại học Bách khoa Hà Nội và Bộ GD&ĐT.
Các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và tổ chức đào tạo nói chung và đào tạo cấp bằng nói riêng sẽ được hai bên phối hợp thực hiện thông qua các điều khoản của hợp đồng liên kết đào tạo cụ thể; phối hợp xây dựng và phát triển chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, kết nối hệ thống doanh nghiệp và lập kế hoạch hướng nghiệp cho sinh viên sau tốt nghiệp theo ngành nghề đào tạo.
Để việc hợp tác đạt hiệu quả, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN lưu ý về mặt thiết kế chương trình đào tạo, 2 bên cần tạo điều điều kiện tốt nhất và sự thống nhất về bằng cấp cho học sinh, sinh viên; đồng thời mong muốn bổ sung kiến thức giáo dục phổ thông để sinh viên thuộc hệ trung cấp cũng có thể tham gia các chương trình liên thông, qua đó mở rộng đối tượng đào tạo và nâng cao số lượng lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Thông qua chương trình hợp tác, không chỉ chất lượng chương trình liên thông được tốt hơn mà chất lượng nhà giáo, giáo trình, công nghệ quản lý của các trường cao đẳng cũng được nâng lên.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, trước bối cảnh nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngày càng cao, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để cập nhật xu hướng phát triển từng lĩnh vực nghề nghiệp, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo của nhà trường liên tục được bổ sung theo hướng tiếp cận nhu cầu việc làm của xã hội và doanh nghiệp tuyển dụng.
Hiện Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ tập trung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực: Cơ khí, điện - điện tử, tự động hóa, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn… dựa trên 3 trụ cột: Kỹ năng nghề nghiệp; khả năng sử dụng ngoại ngữ; tư duy và tác phong làm việc chuyên nghiệp, tích cực.
Trong đó, về đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, trên 80% tiết học sử dụng phương pháp giảng dạy tích hợp, kết nối với doanh nghiệp. Từ đó, từng bước hướng tới mô hình Smart College, tiệm cận phương pháp học tập hiện đại của nhiều nước phát triển trong khu vực và thế giới.
PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo liên tục Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trung tâm sẽ triển khai đào tạo các chương trình liên thông bằng cử nhân, chứng chỉ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, sinh viên của Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ với các ngành kỹ thuật, công nghiệp bán dẫn.
Chương trình sẽ diễn ra theo hình thức vừa học vừa làm bảo đảm cả kiến thức và thời gian thực hành cho sinh viên. Những sinh viên khi hoàn thành chương trình liên thông hứa hẹn là nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
Văn Lý
Báo Lao động và Xã hội số 84