Báo cáo tại Hội nghị, ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, ngành đặt mục tiêu trọng tâm phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách pháp luật lao động; nâng cao đời sống cho người có công, người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 17.000 lao động, trong đó đưa 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đưa tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới mức 2,2%; phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề cho 17.000 học viên ở các cấp trình độ; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.
Năm 2023, Thừa Thiên Huế cũng phấn đầu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,17% (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022-2025). Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân.
Theo ông Dần, để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống.
Tập trung triển khai Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư trường nghề trọng điểm; ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm. Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm; phát triển thị trường lao động, doanh nghiệp, doanh nhân và thực hiện tốt chính sách tín dụng nhằm tạo việc làm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giao dịch việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các chương trình hợp tác khác.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nâng cao đời sống người có công với cách mạng. Mở rộng chi trả trợ cấp người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích.Mở rộng diện bao phủ chính sách an sinh xã hội và nâng dần mức trợ cấp; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách an sinh xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi. Chú trọng công tác phát triển toàn diện trẻ em; thực hiện đầy đủ quyền trẻ em.
Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành với dữ liệu dân cư. Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân; xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh kịp thời. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế.
Được biết, trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác lao động, người có công và xã hội. Toàn ngành đã tham mưu hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Một số kết quả nổi bật, như: giải quyết việc làm cho 17.318 người (đạt 106% so với kế hoạch năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,25% (vượt 0,25% so với kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên Huế giảm còn 4,13%. Ngành đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người già, trẻ em, đối tượng yếu thế được bảo đảm, duy trì an sinh xã hội.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã đạt được trong năm 2022. Đặc biệt, ngành đã nỗ lực xây dựng, tham mưu hoàn thành 2 đề án quan trọng về xoá đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025. Đây là tiền đề và cơ sở vững chắc để tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.
Trong thời gian tới, ông Bình yêu cầu toàn ngành LĐ-TB&XH khắc phục những khó khăn, hạn chế; đồng thời phát huy những thành quả đạt được. Sở LĐ-TB&XH tỉnh cần có các biện pháp, giải pháp tối ưu để triển khai thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao những nhiệm vụ trọng tâm của mình. Ông Bình lưu ý, ngành cần phải tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là phải hoàn thành mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025; xoá nhà tạm cho hộ nghèo; tạo công ăn việc làm cho người dân để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, đổi tượng bảo trợ xã hội; bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, bình đẳng giới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị ngành LĐ-TB&XH đổi mới cách làm, áp dụng công nghệ thông tin, hoàn thành các phần mềm, cơ sở dữ liệu quả lý dân cư, lao động. Chủ động, phối hợp với các địa phương, các Sở ngành liên quan để triển khai các lĩnh vực công tác một cách thuận lợi, bảo đảm phát huy hiệu quả.
“Nhiệm vụ của ngành trong năm 2023 là vô cùng nặng nề và nhiều thách thức. Các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành LĐ-TB&XH sẽ là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, qua đó sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, ông Bình nhấn mạnh.
Dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất dành hơn 39 tỷ đồng để tặng quà tết cho các đối tượng Người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội, trong đó: kinh phí tặng quà đối tượng Người có công là hơn 10,676 tỷ đồng (34.967 suất quà); đối tượng bảo trợ xã hội hơn 28,384 tỷ đồng (86.736 suất).