Đây là diễn đàn để các đại biểu thảo luận, đưa ra khuyến nghị, giải pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào phát triển nhân lực có kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.
Thời gian qua, hợp tác doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm. Năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển giáo dục nghề nghiệp, Diễn đàn quốc gia về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Ngày 4/10/2020 cũng lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ lấy ngày 4/10 hàng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Ngày 4/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng. Trong Thư, Chủ tịch nước đă khẳng định: "Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia", đồng thời cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để vững bước tiến vào tương lai.
Với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm chỉ đạo các hoạt động hợp tác doanh nghiệp, coi doanh nghiệp như một "nhà trường thứ hai", một thành phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngày 28/12/2018, Ban Cán sự Đảng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Nghị quyết số 617 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030. Bộ cũng đã có Quyết định thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững gồm lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, VCCI, Ủy ban quản lý vốn nhà nước, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác doanh nghiệp, đồng thời cũng chỉ đạo, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện ký kết hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo, giải quyết việc làm cho người học.
Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Năm 2021, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên các hoạt động đào tạo vẫn duy trì thực hiện, nhằm cung ứng nguồn nhân lực lao động cho các doanh nghiệp và thị trường lao động, góp phần làm giảm nguy cơ thiếu hụt nhân lực lao động khi các hoạt đông sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh việc tổ chức đào tạo, nhất là đào tạo thực hành của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vai trò của doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ tổ chức đào tạo, tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập càng trở nên hết sức quan trọng. Việc này đồng thời cũng tạo ra một lực lượng lao động cho doanh nghiệp khi thị trường lao động đang chịu nhiều biến động do làn sóng dịch chuyển lao động do dịch bệnh.
Phát biểu tại Hội nghị. bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho biết, chủ trương xã hội hoá giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã mở rộng các chủ thể tham gia vào giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đây là một giải pháp mang tính đột phá nhằm đảm bảo đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và đóng góp, cho việc nâng cao năng suất lao động, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Doanh nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng. Doanh nghiệp có quyền, trách nhiệm trong việc đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo, đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo. “Nguồn lao động có kỹ năng và chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi. Vì vậy, Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN, để GDNN đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và của người lao động, cũng như của người sử dụng lao động”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
Với hai phiên làm việc, các đại biểu đã đưa ra một số mô hình tốt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tiếp nhận học nghề và tập nghề; đề xuất các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, tiếp nhận học nghề, tập nghề nhằm cải thiện chất lượng nguồn lao động hiện tại và trong tương lai. Theo nhiều đại biểu, việc đánh giá hiệu quả của các mô hình học nghề, tập nghề và kết quả hoạt động hợp tác, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng như các chính sách, quy định của pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc tiếp tục đẩy hoạt động hợp tác trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Thông qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo, đào lạo lại nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động của doanh nghiệp và cũng là để tạo cơ hội việc làm cho người học khi tốt nghiệp ra trường.