Theo TS toán học Lê Thống Nhất, kỳ thi THPT quốc gia có rất nhiều “kẽ hở” tạo "đất sống" cho tiêu cực.
Từ khâu in sao đề thi, theo TS Lê Thống Nhất, đây là khâu khá phức tạp để bảo mật vì thời gian in sao ở mỗi tỉnh/thành phải mất khá nhiều thời gian. Với các đề thi trắc nghiệm, mỗi đề đến 4 - 5 trang, mỗi đề có 24 mã đề thi nên việc kiểm soát chặt chẽ quá trình này khá căng thẳng, kể cả việc in không rõ văn bản và huỷ các bản in không chuẩn. Nếu nhóm cán bộ làm việc này chỉ cần sơ hở hoặc có sự thông đồng tiêu cực thì có thể tạo ra "kẽ hở".
“Kẽ hở” thứ 2 là ở phiếu trả lời trắc nghiệm, theo TS Nhất, nếu nhóm cán bộ thực hiện việc scan phiếu trả lời không kiểm soát nhau tốt hoặc thông đồng với nhau thì đây là "kẽ hở" lớn. Vì phiếu trả lời trắc nghiệm học sinh dùng bút chì tô đen phương án chọn nên cán bộ có thể thay đổi phương án theo đáp án (đáp án do có được từ các trang báo điện tử hoặc do chính Bộ GDĐT cung cấp ngay sau buổi thi cuối cùng, quá trình scan cũng khá lâu vì mỗi đơn vị có rất nhiều phiếu trả lời, đủ thời gian có đáp án chuẩn). Vết tẩy xoá hoàn toàn có thể quy cho thí sinh thực hiện. Thậm chí có người cho rằng, học sinh có thể nộp phiếu "trắng" để khi cán bộ can thiệp vào phiếu này đỡ phải tẩy xoá (!).
Một “kẽ hở” khác là các bản file ảnh chuyển qua file text để giảm dung lượng thì trong trường hợp không sửa trên phiếu trả lời gốc, cán bộ có thể sửa dễ dàng trên file tetx này.
Ở khâu coi thi, theo TS Nhất, việc giám sát chỉ cần lơi lỏng một chút thì việc chuyển cho nhau đáp án trắc nghiệm là đơn giản hơn nhiều so với thi tự luận. Khi kỳ thi có xét tuyển đại học hoàn toàn giao cho địa phương tổ chức thì tâm lý về "tinh thần tỉnh nhà" rẩt dễ tạo ra "kẽ hở" tạo điều kiện cho tiêu cực xảy ra để có lợi cho học sinh tỉnh mình.
Không chỉ môn trắc nghiệm, ở môn tự luận duy nhất (môn văn) cũng có “kẽ hở” để tiêu cực. Cụ thể, theo TS Nhất, tâm lý "tinh thần tỉnh nhà" có thể dễ tạo ra "kẽ hở" khi các giám khảo cùng chấm lỏng hơn và từ chấm chặt chuyển sang chấm lỏng thì điểm số có thể sai, khác nhiều. Đương nhiên khi đã "đồng lòng" thì điểm của giám khảo 1 và giám khảo 2 cũng sẽ "thống nhất" luôn.
Để giảm thiểu các “kẽ hở” này, TS Nhất cho rằng, cần xóa bỏ kỳ thi “2 trong 1”. Theo ông, ưu điểm duy nhất của "2 trong 1" là tiết kiệm chi phí, sức lực cho phụ huynh nhưng khi kết quả của con em bị thua thiệt do các tiêu cực thì việc tiết kiệm này lại hoàn toàn không cần thiết. Điều này cũng làm cho các trường Đại học quá bị động và nghi ngờ kết quả xét tuyển của mình.
TS Quách Tuấn Ngọc cho biết, thời thi tự luận, tiêu cực sửa bài thi là rất khó.
Được sự đồng ý của TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT), ICTnews dẫn lại ý kiến của ông liên quan đến vụ điểm thi “cao bất thường” ở Hà Giang, đã được ông đăng công khai trên trang Facebook cá nhân vào chiều ngày 17/7/2018.
TS Quách Tuấn Ngọc cho biết, thời thi tự luận, tiêu cực sửa bài thi là rất khó. Đơn giản là vì có rọc phách; nếu dồn túi 2 lần thì không ai có thể biết bài nào của ai để mà sửa bài thi.
Theo phân tích của TS Quách Tuấn Ngọc, tờ Phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách. Do đó, bất kỳ ai cũng có thể biết được Phiếu trả lời này là của ai và tìm ra Phiếu của 1 thí sinh ABC cụ thể. “Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác. Tờ Phiếu đó và quy trình chấm hiện nay rất thích hợp cho việc một trường Đại học tổ chức thi vì họ không dính đến con cháu nào cả, hoặc nếu có cũng hãn hữu xảy ra. Còn thi tại địa phương, có thể nói quy trình hiện nay là chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò”, TS Quách Tuấn Ngọc nêu quan điểm.
“Từ năm 2015 bắt đầu tổ chức kỳ thi 2 trong 1, có tiến bộ là có thêm cán bộ coi thi từ các trường Đại học, tuy nhiên còn nhiều chỗ là do cán bộ địa phương chủ động làm hết nên cơ hội tiêu cực càng có điều kiện. Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm, nếu không muốn nói là không thể tin được”, TS. Quách Tuấn Ngọc thẳng thắn chỉ rõ.
Từ các ý kiến nhận định về kỳ thi THPT kể trên, TS Quách Tuấn Ngọc đưa ra đề xuất tổ chức chấm thi theo Cụm (theo vùng miền) do trường Đại học chủ trì. "Nghĩa là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo Cụm”, ông Ngọc giải thích thêm.
Về vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, TS. Quách Tuấn Ngọc nhận xét: “Năm nay anh Vũ Trọng Lương, Phó phòng khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang làm trắng trợn quá mức. Theo tôi hiểu qua các báo thì anh Lương sửa trực tiếp vào file kết quả rồi gửi về Bộ đĩa CD1. Xong, anh ta bình tĩnh quay sang sửa bài trên giấy… Nhưng nhờ có anh mà cả nước tỉnh ra vì sẽ thấy các lỗ hổng ở các khâu và ở các nơi”.