Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Ngày càng nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại rình rập người lao động

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng đã xảy ra, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động) nói về vấn đề này.

* Hàng loạt vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra thời gian qua. Ông nhận định thế nào về thực tế công tác triển khai đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) tại các doanh nghiệp, nhà máy hiện nay?

- TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua cho thấy, các công trường, nhà máy, doanh nghiệp đang hiện hữu các nguy cơ mất ATLĐ. Những năm qua, quy mô nền kinh tế tăng lên nhiều lần và thị trường lao động cũng tăng tương ứng.

Nhiều ngành nghề sản xuất cũng phát triển, số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc các nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) cũng tăng lên.

Người lao động (NLĐ) ngày càng có nguy cơ tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại hơn trong môi trường lao động.

At1.jpg
TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động.

Qua thống kê về TNLĐ trong khoảng 10 năm trở lại đây, số vụ TNLĐ, số người bị nạn, số người chết được kiềm chế về mặt số liệu tuyệt đối. Hằng năm, trung bình có hơn 7.000 vụ, khoảng 700 người chết.

Tuy nhiên, quy mô thị trường lao động ngày càng tăng với khoảng 1,3 triệu lao động/năm, như thế có nghĩa tần suất TNLĐ cũng có giảm so với tốc độ tăng của quy mô thị trường lao động. Một số ngành, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng cũng đã được kiềm chế, như: Ngành điện lực trước đây có tần suất xảy ra TNLĐ lớn nhưng hiện nay số lượng người chết do TNLĐ đã giảm xuống dưới 10 người/năm;

Ngành than khoáng sản trước trung bình 35 - 40 người chết/100.000 lao động/năm thì nay dù vẫn cao nhưng đã giảm xuống dưới 20 người chết/năm; ngành xi măng cũng đã giảm mạnh và hầu như ít tai nạn lớn. Nhưng những lĩnh vực khác lại rất căng thẳng, xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng như: Xây dựng, chế biến sản xuất vật liệu xây dựng.

Các vụ TNLĐ nghiêm trọng gần đây cho thấy, nhiều quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được chấp hành. Các quy trình làm việc, phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp không được triển khai; việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, đặc biệt là máy, thiết bị, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được thực hiện đầy đủ theo yêu cầu.

Điều đó cho thấy doanh nghiệp chưa thật sự tuân thủ các quy định pháp luật, chưa thực hiện hết trách nhiệm về bảo đảm an toàn, sức khỏe cho NLĐ tại nơi làm việc. Một bộ phận doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và đầu tư mở rộng sản xuất, năng lực quản trị an toàn chưa đạt mức có thể kiểm soát được các nguy cơ, dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm thời gian qua.

* Hành lang pháp lý trong lĩnh vực ATVSLĐ đã tương đối đầy đủ và đồng bộ nhưng vấn đề thực thi và câu chuyện quản lý, kiểm soát vẫn còn nhiều khó khăn trong thực tế?

a.jpg
Hiện trường vụ tai nạn lao động khiến 6 người thương vong xảy ra trưa 2/8 tại công trình xây dựng Nhà máy nghiền xỉ thải phốt pho ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

- Qua những vụ TNLĐ nghiêm trọng vừa qua, đặc biệt là vụ tai nạn tại Nhà máy xi măng Yên Bái mới đây, cần nhìn rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý. Một doanh nghiệp hoạt động rất lâu trên địa bàn tỉnh, với quy mô như vậy, chính quyền và các cơ quan chức năng đều đã kiểm tra, thanh tra và đánh giá, kiểm soát hiệu quả, vậy mà vẫn để xảy ra những lỗ hổng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Lớn hơn nữa, về mặt chính sách cũng cần nhìn nhận rằng, những vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng như: 4 công nhân tử vong thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, 6 người chết tại Nghệ An vì BNN bụi phổi silic... có thể thấy dù hệ thống pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, song đâu đó công tác ATLĐ vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính có hạn, đầu tư vào phương tiện hệ thống công nghệ bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm chất lượng. Sau 10 - 20 năm, những hệ thống này đã xuất hiện nhiều tồn tại, rủi ro mất an toàn thường trực.

Bên cạnh đó, tôi phải nhấn mạnh rằng cách thức thanh tra, kiểm tra của chúng ta hiện chưa phù hợp và không theo được các thông lệ quốc tế, rườm rà, thiếu hiệu quả.

Kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển, việc thanh tra ATLĐ đến doanh nghiệp không được báo trước. Thanh tra cũng không phải mất quá nhiều thời gian tại doanh nghiệp, chỉ cần đến khu vực cần phải kiểm soát ATLĐ xem có đạt yêu cầu không. Chưa đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn, thanh tra có thể yêu cầu chủ doanh nghiệp ngay lập tức khắc phục.

Sau đó, nếu hậu kiểm mà doanh nghiệp chưa xử lý thì có các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn như dừng sản xuất, xử phạt theo thẩm quyền. Thanh tra an toàn cần tập trung vào xem thực tế khi doanh nghiệp sản xuất có bảo đảm an toàn, vệ sinh không.

Thực tế, thanh tra lao động hiện nay là phải thành lập đoàn, doanh nghiệp bị thanh tra được lên kế hoạch, được báo trước, sau đó đoàn thanh tra sẽ vào xem xét nghiên cứu hồ sơ xem còn thiếu gì, cái gì chưa được.

Như vậy, việc này chỉ để xem xét hồ sơ có bảo đảm đúng theo các quy định của pháp luật không, giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đầy đủ, nói chung đó chỉ là vấn để hành chính. Trong khi điều quan trọng nhất của công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ phải làm rõ quá trình sản xuất, điều kiện làm việc có bảo đảm an toàn không?

Trên giấy tờ, máy móc đã được kiểm định nhưng khi sản xuất vẫn xảy ra sự cố; vì vậy, thanh tra, kiểm tra phải xem doanh nghiệp, NLĐ trong công việc thực tế có bảo đảm an toàn không. Trên giấy tờ, doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện cho công nhân nhưng công nhân có vận hành, làm việc đúng theo quy trình, phương án làm việc không lại rất cần được doanh nghiệp thường xuyên đánh giá, giám sát.

* Thời gian tới, theo ông cần những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo ATVSLĐ?

- Về giải pháp tổng thể, trước tiên cần rà soát chính sách pháp luật để bổ sung. Hiện nay, nếu doanh nghiệp thuê các nhà thầu cung cấp các dịch vụ nói chung cho doanh nghiệp, đến khi xảy ra tai nạn, sự cố ngay tại doanh nghiệp thì trách nhiệm giữa các bên chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần có những quy định, giám sát chất lượng hệ thống công nghệ đi kèm theo các dự án đầu tư của nước ngoài cũng như trong nước ngay từ khi xây dựng. Tránh trường hợp sử dụng các vật liệu, hệ thống công nghệ có khả năng gây ra sự cố, tai nạn, khi đó mới yêu cầu có phương án phù hợp cũng đã muộn.

Chính quyền địa phương cũng cần có những phương án phù hợp để kiểm soát từ sớm, không để xảy ra những sự cố về môi trường, an toàn cháy nổ hay sự cố về hóa chất.

Hiện, chúng ta không chỉ phải đối diện với những nguy cơ truyền thống mà còn đối diện với những vấn đề mới, nguy cơ mới về an toàn sinh học, hạt nhân nguyên tử… thậm chí những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của NLĐ.

Đặc biệt, cần quan tâm tới bố trí nguồn lực cho đảm bảo ATVSLĐ ở các cấp cả về con người, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học cũng như tài chính. Chúng ta phải đào tạo được đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi về an toàn để quản lý hàng triệu doanh nghiệp trong tương lai và các ngành nghề mới.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động cũng cần được quan tâm, đào tạo về kỹ năng an toàn. Văn hóa an toàn là đặc biệt quan trọng, doanh nghiệp không thể bố trí những lao động thiếu ý thức an toàn vào vận hành một hệ thống công nghệ, sản xuất vật liệu mà ở đó, một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn đến thảm họa.

Do đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất, cần chú trọng ngay từ khâu đào tạo ban đầu, đào tạo không chỉ là chuyên môn mà còn là văn hóa an toàn.

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Văn Lý (thực hiện)

Báo Lao động và Xã hội số 98