Thế nhưng, thu nhập của họ lại rất eo hẹp, nhiều nghệ sĩ phải chấp nhận “chân trong, chân ngoài” để sống với đam mê nghề.
Với đặc thù tuổi nghề ngắn, xiếc vốn là một trong những ngành nghề được cho là khắc nghiệt nhất từ khâu tuyển chọn, đào tạo đến hành nghề bởi sự đào thải khắc nghiệt.
Tần suất tai nạn lao động cao
Nhắc tới xiếc, hai chữ khổ luyện là miêu tả chính xác của nghề này. Với NSƯT Ngọc Thúy - người vừa được đề cử top 20 Gương mặt trẻ Việt nam tiêu biểu 2024, lại càng thấm thía hơn ý nghĩa của điều đó. NSƯT Ngọc Thúy rời gia đình từ năm lớp 5 để lên Hà Nội theo đuổi nghiệp xiếc. Đó là một hành trình dài với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và cả những chấn thương liên tục. Cô từng bị ngã từ trên không xuống đất bị chấn thương nặng và giờ bị thoát vị 4 đốt sống lưng. Với 20 năm gắn bó nghề xiếc, NSƯT Ngọc Thúy cho biết phải thực sự đam mê mới theo đuổi được nghề.

Không chỉ NSƯT Ngọc Thúy, đã có rất nhiều nghệ sĩ xiếc gặp tai nạn, thậm chí có nghệ sĩ phải giã từ sự nghiệp dù đang ở độ chín. Điển hình như trường hợp của nghệ sĩ Lê Hương (Đoàn Xiếc TPHCM) biểu diễn tiết mục nhào lộn, không may bị quật văng gãy xương vai khiến chị phải bỏ nghề vĩnh viễn.
Hay như nghệ sĩ đu dây Hồng Vân với cú ngã kinh hoàng từ trên đỉnh rạp xuống đất dẫn tới chấn thương đầu, mất trí nhớ trong một thời gian dài và phải từ bỏ nghề. Ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhiều nghệ sĩ như: Trần Ngọc Mỹ Hạnh, Lê Văn Tài, Lan Hương, Bùi Nhị Linh, Ngô Tuyết Hoàn, Dương Lệ Quyên… cũng từng đối mặt với tai nạn khi tập luyện hoặc biểu diễn.
Bản thân NSƯT Kim Hạnh - người nổi tiếng với tiết mục đu cánh diều bị ngã gãy tay khi đang cố gắng tập động tác mạo hiểm hơn trên không. NSƯT Ngô Tuyết Hoàn gặp tai nạn trong quá trình tập luyện dẫn đến bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn…
Hay như NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, dù có thâm niên và giỏi nghề nhưng cũng đã nhiều lần phải bó bột do bị gãy tay, chân khi tập luyện thời còn là diễn viên xiếc tung hứng, nhào lộn, ảo thuật. Ngay cả với NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam vốn nổi tiếng với tiết mục xiếc trăn cũng nhiều lần bị trăn quấn cứng cổ, phải dùng thuốc trợ lực mới hồi tỉnh…
Theo thống kê của Hội Khoa học an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, tần suất tai nạn lao động trong một năm mà các nghệ sĩ xiếc gặp phải lên tới gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, các tiết mục của xiếc đều tiềm ẩn nguy hiểm, để lại hậu quả cho nghệ sĩ như nhào lộn trên cao, đu dây trên không trung, đu bay, đu quăng, nhào lộn trên sào, đế kiếm… Do vậy, hệ cơ xương khớp bị ảnh hưởng, thoái hoá sớm hơn so với những người không hoạt động trong nghề. Trong đó, nhiều diễn viên nữ bị suy giảm sức khoẻ khi lập gia đình, sau khi có con do ảnh hưởng của áp lực luyện tập và biểu diễn với cường độ cao khi còn trẻ.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Ngoài phương tiện bảo vệ như dây đai, đệm, phụ trợ đi kèm, để đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ trong quá trình biểu diễn, Liên đoàn thành lập Tổ An toàn thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn lao động trước, trong và sau biểu diễn, từ đó góp phần hạn chế tai nạn. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do đặc thù nghề nghiệp.
Thu nhập thấp, khó ngăn “chảy máu chất xám”
Khổ luyện dài ngày nhưng thực tế thu nhập của nghệ sĩ xiếc rất thấp. Các nghệ sĩ phải luyện tập hàng ngày, nhưng chỉ có bồi dưỡng khi vào tập các chương trình mới, còn chương trình cũ thì không. Qua khảo sát, đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận lương khoảng 5 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng.
Đối với nghệ sĩ trẻ vừa vào nghề, hệ lương trung cấp rất thấp, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại. Mức bồi dưỡng tối thiểu cho nghệ sĩ từ năm 2015 đến nay vẫn chỉ là 80.000 đồng/ngày luyện tập (các chương trình mới) và không quá 200.000 đồng/buổi biểu diễn.
Các nghệ sĩ xiếc thậm chí không đủ tiền sinh sống nếu không nhận thêm show, làm công việc khác. Bởi đây là số tiền quá ít so với sự khổ luyện và cống hiến, khi họ phải bỏ công sức tập luyện cũng như việc phải đối mặt với tai nạn lao động bất cứ lúc nào.

Với người nghệ sĩ, phía sau là gia đình cùng nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực, cho dù nghệ sĩ luôn đam mê với nghề. Theo thống kê, mỗi năm, riêng Liên đoàn Xiếc Việt Nam có khoảng 20% nghệ sĩ xiếc bỏ đơn vị đi theo lời mời của các đoàn diễn nghệ thuật của các công ty giải trí tư nhân.
Đây là con số đáng buồn, nhưng phần nào cho thấy những nghệ sĩ còn trụ lại được với nghề thực sự đáng trân quý. NSND Tống Toàn Thắng cho biết: “Nghệ thuật xiếc đang phải đối mặt với thực tế già hóa nguồn nhân lực bởi tư duy vào nghề xiếc giờ cũng đã khác.
Trước kia chúng tôi vào nghề bằng lý tưởng, dù khó khăn, vất vả cũng kiên trì phấn đấu. Bây giờ, nhiều bạn trẻ vào nghề thực tế hơn khi quan tâm tới thu nhập. Hơn nữa, xiếc đòi hỏi sự khổ luyện, tính nghiệt ngã cao và tiềm ẩn rủi ro lớn nên nhiều phụ huynh không dám cho con em theo nghề xiếc vì vất vả và không có tương lai.
Ngoài ra, một thách thức nữa đối với Liên đoàn Xiếc Việt Nam là tình trạng "chảy máu chất xám". Nhiều công ty giải trí, khu du lịch tư nhân… có nhu cầu tuyển dụng nghệ sĩ xiếc về biểu diễn phục vụ giải trí cho du khách nên sẵn sàng trả mức thu nhập cao hơn rất nhiều.
Mỗi khi thấy các em ra trường là đầu quân ngay vào các đơn vị tư nhân biểu diễn, những nghệ sĩ gạo cội trong ngành tiếc nuối vô cùng bởi các em làm ở đó cũng chỉ được một thời gian ngắn, không có nhiều điều kiện để phát triển tài năng và cơ hội để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp”.
Về đâu khi hết tuổi nghề?
Đa số học sinh vào Trường trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam từ khi còn nhỏ (nữ từ 9 - 11 tuổi, nam từ 11 - 13 tuổi), sau 5 năm học tập, họ có thể trở thành diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Thế nhưng, thời hoàng kim của nghệ sĩ xiếc chỉ kéo dài tối đa 20 năm trên sân khấu và bị đào thải rất sớm (nam chưa tới 40 tuổi, nữ chỉ quá 30 tuổi) đã phải rời sàn diễn vì phải kết hôn, việc sinh con khiến cơ thể bị cứng, không còn giữ được phong độ.
Phải nghỉ diễn quá sớm trong khi tuổi về hưu lại theo chuẩn chung 55 - 60 tuổi, nên quãng thời gian làm việc còn lại trở nên khó khăn. Ngay cả khi Liên đoàn Xiếc bố trí công việc khác cho họ cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế vì thu nhập rất thấp, không thể cải thiện được. Người không may bị tai nạn nghề nghiệp, sức khỏe sa sút phải nghỉ mất sức sẽ rất thiệt thòi vì lương hưu quá thấp.
Theo NSND Tống Toàn Thắng, nghệ sĩ xiếc đa phần chỉ có bằng trung cấp, dạng công nhân nghệ thuật, chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng 4, áp dụng hệ số lương viên chức loại B, nếu lên kịch bậc cũng rất khó thăng hạng cao hơn.
Muốn chuyển công việc sau khi nghỉ diễn họ phải có thêm một bằng chuyên môn, điều kiện gần như bất khả thi với những nghệ sĩ tuổi 30 - 40 đang nặng gánh gia đình, thu nhập khiêm tốn và đối mặt bài toán mưu sinh. Nếu họ dành thời gian đi học để có một bằng chuyên môn khác thì có thể chuyển sang đảm nhận công việc hỗ trợ biểu diễn phụ trách âm thanh, ánh sáng, đạo cụ.
“Đây là bài toán về công tác nhân sự vì Liên đoàn tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ, không phải tuyển dụng bên ngoài, lại thể hiện được sự đãi ngộ đầy nhân văn. Chúng ta không thể để họ nghỉ việc vì họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân tươi đẹp. Nếu không cẩn thận chúng tôi lại là người “vắt chanh bỏ vỏ”, nghề chưa bạc mà bản thân nghệ sĩ đã bạc với nhau…”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Duy Linh – Minh Vũ (Còn nữa)
Báo Lao động và Xã hội số 118