Vì thế, không ít người bị cuốn vào guồng quay của công việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành deadline (thời hạn hoàn thành công việc) đến mức kiệt sức, thậm chí có người phải nhập viện. Khoa học gọi đây là hội chứng “burn out” (cháy sạch).
Tự đưa ra những áp lực quá sức
Hoàng Mai Hương là nhân viên của một tập đoàn lớn. Dù mới ra trường 3 năm nhưng cô đặt mục tiêu có nhà Hà Nội trước tuổi 30 nên rất chăm chỉ làm việc. Ngoài việc ở công ty cô còn nhận thêm nhiều việc ở ngoài. Đảm nhiệm nhiều công việc một lúc kèm theo áp lực hoàn thành dồn dập khiến Hương rơi vào căng thẳng, mệt mỏi.
“Để kiếm tiền không có cách nào khác là làm việc chăm chỉ. Tuổi trẻ nên tôi cố gắng tích lũy kinh nghiệm cũng như tiền bạc. Đó là lý do tôi làm việc như cái máy, không có thời gian ăn uống hay nghỉ ngơi. Khoảng hơn một tuần trước, tôi bị chóng mặt, đau đầu liên tục. Đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bị suy nhược cơ thể và rối loạn lo âu”, Mai Hương chia sẻ.
Tương tự, Đặng Minh Tuấn - một lập trình viên cho biết, cuối năm anh thường xuyên thức đến 2 - 3h sáng chạy deadline. Có những dự án phức tạp, khối lượng công việc quá nhiều trong khi thời gian bàn giao gấp rút khiến nên thường xuyên thức đêm.
Minh Tuấn cho biết: “Không chỉ căng thẳng vì công việc mà áp lực phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức để không bị đào thải bởi sự thay đổi từng ngày của công nghệ khiến tôi luôn cảm giác bất an. Điều đó đồng nghĩa ít có thời gian dành cho người thân và bạn bè.
Cơ thể mệt mỏi, chán nản, không còn hứng thú công việc… Tôi đi khám, bác sĩ kết luận bị rối loạn lo âu, cần điều chỉnh thời gian làm việc, nghỉ ngơi và phải sử dụng thuốc để hỗ trợ”.
Hoài Thu là nhân viên marketing của một công ty lớn ở Hà Nội được hơn một năm. Từ khi đi học đến khi đi làm, Thu luôn muốn là người đứng đầu. Cô luôn đến cơ quan sớm nhất, hoàn thành deadline nhanh nhất và được đánh giá cao. Những tháng cuối năm, lượng công việc tăng và các dự án phức tạp hơn, Thu bị căng thẳng.
Nhiều hôm cô làm việc đến 2h sáng, thậm chí muộn hơn. Dự án cũ, dự án mới dồn dập đổ về. Sự mệt mỏi kéo dài khiến cô mất ngủ, stress, không còn động lực đi làm. “Kể cả khi ngủ tôi vẫn nơm nớp lo sếp hỏi tiến độ công việc. Lúc nào cũng sợ thất bại, sợ ánh mắt mọi người nhìn mình như thế nào khi không hoàn thành tiến độ công việc…”.
Những áp lực ấy lan sang cả đời sống cá nhân. Đi khám tại Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cô được chẩn đoán mắc burn out (cháy sạch) - hiện tượng phổ biến trong thế hệ trẻ, đặc biệt là gen Z.
Cần nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), burn out là hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc. Mặc dù không phải bệnh lý (khác với trầm cảm), việc WHO thêm burn out vào bảng phân loại bệnh có nghĩa là người mắc hội chứng này cần được trợ giúp bởi bác sĩ hay dịch vụ y tế.
Burn out ảnh hưởng đến người lao động ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt gen Z. Một nghiên cứu toàn cầu của công ty nhân sự UKG tháng 10 tiết lộ, 83% nhân viên tuyến đầu (người trực tiếp làm việc với khách hàng) thuộc gen Z bị kiệt sức.
Trước đó, một cuộc khảo sát của web việc làm Indeed cho thấy, những người lao động thuộc thế hệ Millennials và Gen Z đang báo cáo tỷ lệ kiệt sức cao nhất, lần lượt là 59% và 58%.
TS, bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi tháng có khoảng 8.000 người tới khám, tỷ lệ người trẻ (tuổi 18 - 35) chiếm khoảng 30%, khá đông người bị mắc hội chứng burn out.
TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý hơn 30 năm kinh nghiệm ở Việt Nam và Mỹ cho biết, burn out xuất phát từ kỳ vọng quá cao. Người trẻ thường có mong muốn thành công quá sớm mà không lượng được sức khỏe thể chất và tinh thần.
Đôi khi đó còn là sự hiểu lầm kỳ vọng của cấp trên trong môi trường công việc, mà tự gây áp lực cho bản thân. Lao động trẻ nên sớm nhận biết vấn đề của bản thân trước khi để quá nặng, phải can thiệp bằng thuốc.
Để cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn là cách tốt nhất để thoát khỏi cảm giác kiệt sức vì công việc. Vì thế, nếu cảm thấy bản thân đang bị burn out, hãy xin nghỉ phép một thời gian để thêm năng lượng bằng cách đi du lịch, tập yoga... Chỉ khi biết dung hòa cuộc sống với công việc một cách khoa học sẽ hạn chế được tình trạng này.
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 152