Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Nhân lực ngành du lịch: Yếu kỹ năng giao tiếp là vấn đề đáng báo động

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch quốc tế dự kiến tăng trung bình 4%/năm trong 5 năm tới và 3,5%/năm trong 10 năm tới.

Việt Nam với nhiều điểm đến hấp dẫn và nền văn hóa đa dạng, dự báo lượng khách quốc tế đạt mức tăng trưởng cao. Sự tăng trưởng này đặt ra nhu cầu cấp thiết về lao động trong ngành du lịch, đặc biệt là lao động có kỹ năng và trình độ chuyên môn.

Nhu cầu cấp thiết về lao động chất lượng cao

Đánh giá về nhu cầu nhân lực, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người.

Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025, riêng tổng cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu. Như vậy, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.

Nhân lực ngành du lịch: Yếu kỹ năng giao tiếp là vấn đề đáng báo động - 1
Chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam.

Theo Bộ VH-TT&DL, tốc độ tăng trưởng lao động trong ngành du lịch dự kiến đạt mức 10 - 12%/năm trong thập kỷ tới, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Việt Nam nằm trong top những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch Covid-19. Lực lượng lao động có thâm niên 5 - 10 năm đã chuyển nghề là 44%, lao động sau đại học chuyển nghề tới 90%.

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành khách sạn cũng còn hạn chế, nhất là ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế. Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc điều hành VietSense, do thời gian “đóng băng” du lịch quá dài, người lao động không có điều kiện thường xuyên mài giũa kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ… dẫn đến chất lượng nhân lực suy giảm.

“Ngành du lịch không đơn thuần bán các gói nghỉ dưỡng, lưu trú mà phải “bán” cả trải nghiệm và cảm xúc. Vì vậy, doanh nghiệp du lịch cần nhân sự được đào tạo bài bản và có trình độ”, ông Tài nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel nêu quan điểm, khách du lịch mong muốn có nhiều dịch vụ trải nghiệm theo hướng “không chạm”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, nhân sự ngành du lịch rất cần có kỹ năng sử dụng thành thạo ứng dụng số hóa, nhạy bén với xu hướng của mạng xã hội.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự bằng nhiều cách như tổ chức đào tạo ngay khi mới tuyển dụng hoặc phối hợp với cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu cho từng vị trí việc làm phù hợp.

Theo số liệu của Bộ VH-TT&DL, hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 lao động. Trong đó, trình độ trung cấp chiếm 91% tổng số lao động được đào tạo.  

Xét về số lượng, nguồn nhân lực du lịch được đào tạo như hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. 

Nguồn nhân lực kém khả năng cạnh tranh

Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia... 

Với năng suất lao động như hiện nay, lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Philippines, Malaysia...

Nhận diện những bất cập trong công tác đào tạo, PGS,TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho rằng, công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch. Các yếu tố như kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và khả năng thích ứng với công nghệ đang định hình vai trò của hướng dẫn viên du lịch thời kỳ mới.

“Nhiều sinh viên được đào tạo chuyên sâu về du lịch thậm chí không cạnh tranh được với sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài”, ông Thắng nói và cho rằng, đây là vấn đề đáng báo động, cần phải được khắc phục ngay.

Trong khi đó, PGS,TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp. "Giải pháp để khắc phục tình trạng này là các trường có thể áp dụng quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu", ông Long cho biết. 

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học; thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh; đồng thời, tăng cường hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế...

Đặc biệt, để đảm bảo cơ hội được tiếp cận với công việc từ sớm cho sinh viên, các cơ sở đào tạo cần xây dựng mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch trong đặt hàng đào tạo. Trên cơ sở nhu cầu, đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hàng năm. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào công tác đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại doanh nghiệp, từ đó tận dụng nguồn tuyển dụng sau khóa học... 

Hà Phương

Báo Lao động và Xã hội số 118