Theo laodong.vn, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, đến nay, nhiều doanh nghiệp đông lao động trên địa bàn thành phố xây dựng phương án thí điểm thực hiện "3 tại chỗ" (ăn, nghỉ, làm việc) phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại cuộc họp phương án thí điểm thực hiện "3 tại chỗ" (ăn, nghỉ, làm việc) đối với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chiều 28/7, đại diện 3 doanh nghiệp Công ty Cổ phần Thép Việt Nhật, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam và Công ty LG Display trình bày phương án thí điểm thực hiện "3 tại chỗ" khi có yêu cầu.
Theo đó, các phương án thực hiện bố trí chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt, di chuyển và làm việc cho người lao động khi doanh nghiệp xuất hiện ca dương tính, phải thực hiện cách ly các trường hợp F1 tại nhà máy; hoặc trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" để vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động.
Ngoài các doanh nghiệp trên, tại huyện An Dương (Hải Phòng), nơi tập trung 87.208 người lao động làm việc tại 3 khu công nghiệp là Normura, Tràng Duệ, An Dương (25.591 công nhân, người lao động là người ngoại tỉnh), đến thời điểm hiện tại, hầu hết đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án, bố trí chỗ ở, lưu trú cho người lao động ngoại tỉnh trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Điển hình, Công ty P.I.T Vina, đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu với hơn 1.000 lao động, trong đó có 180 lao động là người ngoại tỉnh. Ngay khi có chỉ đạo của thành phố và huyện, doanh nghiệp chủ động phối hợp với chính quyền địa phương bố trí chỗ ăn, nghỉ tập trung tại xã An Đồng cho người lao động để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Công ty P.I.T Vina phối hợp cơ quan chuyên môn tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường toàn bộ khu vực ăn, nghỉ cho công nhân; bố trí xe đưa, đón công nhân, người lao động từ nơi làm việc về nơi ở tập trung hàng ngày; phân công cán bộ quản lý người lao động tại nơi ở tập trung; mua sắm, bổ sung, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt ăn, ở cho 180 công nhân, người lao động lưu trú tại đây.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã vận hành phương án bố trí công nhân ăn, ở và làm việc tại nhà máy để đảm bảo mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất vừa an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với báo baotintuc.vn, chị Nguyễn Hồng Nhung đang làm việc cho một công ty điện tử trong Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, tối 15/7 là đêm đầu tiên chị ngủ tại công ty cùng các công nhân khác. Mặc dù có chút lạ lẫm nhưng để có công việc và an toàn phòng dịch, chị cùng các công nhân khác đã đồng ý chọn phương án ăn, ngủ và làm việc tại nhà máy.
"Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mình vẫn có việc làm và công ty đã lo được chỗ ăn, chỗ ngủ thì mình cố gắng một chút cùng công ty; vừa đảm bảo an toàn cho mình và người thân, cũng vừa đảm bảo năng suất công việc cho công ty", chị Nguyễn Hồng Nhung nói.
Hiện, các doanh nghiệp tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cũng đã áp dụng phương án "3 tại chỗ" cho khoảng 819 người của 48 công ty công nghệ thông tin và dịch vụ doanh nghiệp (bảo vệ, vệ sinh, suất ăn công nghiệp…). Riêng QTSC đã bố trí 24 nhân sự chuyên trách như: Viễn thông, điện, nước, quản lý tòa nhà… để đảm bảo các hoạt động quản lý nội khu được thông suốt, doanh nghiệp cũng yên tâm sản xuất và hỗ trợ khi có sự cố xảy ra.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, các công ty đang bố trí làm việc trong đợt cao điểm này chiếm khoảng 6% số lượng nhân sự thường xuyên làm việc tại QTSC trong điều kiện làm việc bình thường. Do đó, mặc dù công tác tổ chức "3 tại chỗ" khá cập rập nhưng về cơ bản, QTSC đã hoàn thành việc hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất.
Còn Công ty 3D Hub Global (đường Phan Anh, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cũng đang thực hiện phương án "3 tại chỗ". Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global cho biết, để đáp ứng tiêu chí tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng cho người thân công nhân và đảm bảo được tiến độ hàng hoá cho khách hàng, công ty đã đầu tư chi phí mua vật dụng cá nhân, cơm, bồi dưỡng, test hàng tuần... cho công nhân ăn, ngủ tại công ty.
Trước đó, báo tuoitre.vn cho biết, đối thoại với doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An đã nhắc lại tinh thần "chống dịch như chống giặc", đồng thời yêu cầu các đoàn giám sát cũng như doanh nghiệp phải tuyệt đối thực hiện các phương án đúng theo yêu cầu vừa cách ly, vừa sản xuất mà tỉnh này đã gửi văn bản hướng dẫn.
Theo hướng dẫn mà Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, việc tổ chức "3 tại chỗ" phải đảm bảo các điều kiện như: Địa điểm bố trí nơi ở tập trung phải đáp ứng các tiêu chí cần thiết cho hoạt động phòng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sinh hoạt tại doanh nghiệp.
Tại cơ sở 1 của Công ty cổ phần dệt Đông Quang tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, công ty đã chủ động giảm 1/3 người lao động, từ hơn 600 công nhân xuống chỉ còn khoảng 200 công nhân.
Để thực hiện "3 tại chỗ", công ty này đã trưng dụng một xưởng làm việc để bố trí làm nơi ở cho các nam công nhân và một văn phòng làm nơi ở cho các nữ công nhân. Mỗi công nhân đều được cấp chiếu, mền, gối, mùng cá nhân và quạt máy để nghỉ ngơi, ngủ lại.
Ngoài khu vực ăn uống đã được xây dựng thêm các vách ngăn trên bàn để đảm bảo ngăn cách giữa người và người khi ăn, công ty này còn xây dựng một dãy phòng tắm giặt dã chiến, bố trí màn che, vòi nước riêng đến từng phòng để tránh việc sinh hoạt giữa các công nhân tiếp xúc nhau.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc nhân sự tại cơ sở này cho biết: "Mô hình mùng mền, chiếu cá nhân này một phần học tập qua các hình ảnh từ Bắc Giang. Cắt giảm nhân sự là việc cần phải làm để bảo vệ công ty trong lúc này nên chúng tôi cũng đã thỏa thuận sớm và đảm bảo quyền lợi cho những công nhân bị cắt giảm".