Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Tỉnh Ninh Bình rất chú trọng về đào tạo lao động, để chủ động cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI... vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, vừa thu hút các doanh nghiệp đầu tư khi có nguồn lao động chất lượng cao dồi dào.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, thời gian qua UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp, liên kết nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp với các trường nghề trong tỉnh để đảm bảo nguồn cung ứng lao động qua đào tạo.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng lao động. Đến nay, các trường đã liên kết với hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bình quân mỗi năm các trường cao đẳng, trung cấp đã ký kết đưa trên 700 học sinh, sinh viên đến thực tập và làm việc với các ngành nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, kết hợp với cơ sở đào tạo của doanh nghiệp, sử dụng các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao của doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.
Các hoạt động liên kết đào tạo nghề trên giúp cho học sinh, sinh viên yên tâm học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm, tạo môi trường làm việc phù hợp với ngành nghề đào tạo...
Mục tiêu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70-72% vào năm 2025
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương cho biết: "Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70-72% vào năm 2025, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 28 - 32%. Đặc biệt, chất lượng nguồn lao động cũng sẽ được nâng lên tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế".
“Để có sự phát triển ổn định và bền vững, thì nguồn cung ứng lao động qua đào tạo bài bản chính là lời giải, bởi nguồn nhân lực chất lượng mới có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, cũng là yếu tố quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình”, ông Phương nhấn mạnh.
Còn ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Ninh Bình cho biết: Nhằm đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Các hình thức tuyên truyền được thực hiện ngày càng đa dạng trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là gọi điện trực tiếp để tư vấn và cung cấp thông tin thị trường lao động cho các đối tượng là quân nhân xuất ngũ và người lao động từ phía Nam trở về.
Tính đến nay, Trung tâm đã tư vấn cho hơn 22.000 lượt người so với kế hoạch năm đề ra. Tổng số lao động giới thiệu tuyển dụng được hơn 2.500 người.

Các cơ sở GDNN mở rộng liên kết với các doanh nghiệp
Từ đầu năm đến nay có hơn 2.000 lượt doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng tại Sàn với hơn 200.000 lượt chỉ tiêu tuyển dụng. Tổ chức thành công 09 phiên giao dịch việc làm hàng tháng, các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên giao dịch việc làm lưu động và phiên giao dịch việc làm online.
Đã tổ chức tuyển chọn gần 1.500 người lao động đăng ký dự thi theo chương trình EPS năm 2024 cho 04 ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Việc làm - An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội, Phòng LĐ-TB&XH, Ban chỉ huy quân sự các huyện/thành phố tuyên truyền, tư vấn các chương trình thuộc đề án xuất khẩu lao động cho hơn 1.500 người là đối tượng bộ đội xuất ngũ trở về địa phương.
Đến nay, đã tư vấn giới thiệu việc làm được gần 5.000 lượt người, kết nối việc làm, học nghề cho gần 1.000 người.
Ngoài ra, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác cung ứng lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển sinh học nghề cho nhân dân và người lao động.
"Thông qua đó, phát huy vai trò là cầu nối cung - cầu lao động hiệu quả, địa chỉ tin cậy của người lao động và các nhà tuyển dụng, đóng góp tích cực vào công tác giải quyết việc làm tại địa phương cũng như tạo nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tùng nhấn mạnh.
Có thể nói, chuẩn bị một đội ngũ lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư là một mắt xích quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ của Ninh Bình.
Vì vậy, thời gian tới, Ninh Bình đã xác định rõ việc cần nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề; các cơ sở dạy nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức khoa học mới và nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để định hướng dạy nghề cho phù hợp.
Song song đó, quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.