Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Nỗi lo thiếu giáo viên

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tình trạng thiếu giáo viên (GV) các môn chuyên biệt như: Ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất… khiến sự nghiệp giáo dục ở các địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn hơn.

Tính đến tháng 5, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông trong biên chế so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT (trong đó mầm non thiếu 44.843 GV, tiểu học thiếu 24.227 GV, THCS thiếu 28.410 GV, THPT thiếu 16.011 GV).

Theo Bộ GD&ĐT, đội ngũ GV tại các trường học hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 80% số lượng và chất lượng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. 

HS 1.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Ngọc Minh, Vị Xuyên (Hà Giang).

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Minh, Vị Xuyên (Hà Giang) cho biết, tổng số học sinh của trường là 460, hầu hết là người dân tộc. 2 môn tiếng Anh và tin học hiện không có GV nên trường phải tăng cường từ trường khác đến dạy. 

“Giải pháp trước mắt là mỗi năm học, trường ký hợp đồng với một số GV có trình độ đại học, cao đẳng cho các môn: Toán, tiếng Việt, mỹ thuật, công nghệ, giáo dục thể chất… Ngoài ra, nhà trường vận động các thầy, cô đã nghỉ hưu dạy hợp đồng cho trường song số lượng cũng hạn chế. Trong khi đó, các GV hợp đồng mới còn “non” nghề nên vẫn cần nhiều thời gian học hỏi thêm”, cô Sơn chia sẻ.

Ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng đang thiếu hơn 430 GV (trong đó cấp tiểu học thiếu 170 biên chế GV), đặc biệt, tại các huyện vùng sâu, vùng xa. Các trường cần tới hơn 90 GV tiếng Anh, chủ yếu là cấp tiểu học.

Để giảm gánh nặng cho GV đang đứng lớp, nhiều trường chọn giải pháp vận động học sinh đang học ở các điểm trường lẻ tập trung về điểm trường chính thay vì GV phải tăng tiết, tăng giờ dạy.

Ông Phạm Viết Phúc, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, huyện thiếu hơn 82 GV tiếng Anh và tin học ở 47 trường, trong đó, bậc tiểu học thiếu 57 GV và THCS là 25 GV. Phòng GD&ĐT huyện đã bố trí GV dạy liên trường. Cụ thể, mỗi GV được giao dạy ở 2 trường trong một địa bàn. Về môn tin học, ưu tiên GV dạy môn toán hoặc có chứng chỉ tin học được đứng lớp ở 2 cấp học.

Năm học mới đang đến gần nhưng nhiều trường học ở Đắk Nông vẫn lo về tình trạng thiếu GV. Ông Trần Văn Vượng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Đắk Mil chia sẻ: “Nhiều trường phải tiếp nhận học sinh với sĩ số lớp vượt quy định. Việc này đã ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của GV, chất lượng dạy và học. Dự kiến năm nay số lượng học sinh tăng nhưng GV lại không được bổ sung”.

Tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhằm khắc phục tình trạng thiếu GV, Sở đã triển khai các phương án dạy liên cấp, liên trường, trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT  tỉnh Hậu Giang cho biết, Sở đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về đãi ngộ và cam kết đối với GV tuyển mới, đặc biệt là GV ở các bộ môn: Tin học, tiếng Anh, âm nhạc và mỹ thuật. 

Kết thúc năm học 2023 - 2024, theo Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu GV cục bộ vẫn còn tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới như: Tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Việc này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong hai năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, cả nước đã tuyển dụng được gần 40.000 GV, tuy nhiên, số học sinh trong giai đoạn này không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng. 

Một trong những nguyên nhân mà các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao bổ sung là thiếu nguồn tuyển dụng, đặc biệt là các môn công nghệ, lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên và các môn học có tính đặc thù như tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật).

Bên cạnh đó, số học sinh ngày càng tăng do phát triển quy mô dân số, thực hiện phổ cập giáo dục ở một số cấp học. Cùng với đó, số lượng sinh viên được đào tạo trình độ đại học tương đối lớn nhưng sau khi tốt nghiệp ít tham gia dự tuyển vào ngành giáo dục. 

Bộ GD&ĐT đề xuất xây dựng chính sách tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm các môn học: Khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học… cấp tiểu học và THCS. Các GV này sau khi được tuyển dụng sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019.

Hòa Cù

Báo Lao động và Xã hội số 94

Tin liên quan
Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

(LĐXH) - Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển...