Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Tân Thủ tướng Thái Lan: Cam kết thúc đẩy kinh tế đất nước

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ngay sau khi được bổ nhiệm, tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cam kết sẽ nỗ lực cải cách kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

Nữ thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan

Quốc hội Thái Lan hôm 16/8 đã bầu bà Paetongtarn Shinawatra làm tân Thủ tướng, thay thế ông Srettha Thavisin, người bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm do sai phạm trong bổ nhiệm nhân sự.

Ảnh Bài 1_ Thủ tướng Thái Lan_AFP.jpg
Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra họp báo sau khi được hoàng gia phê chuẩn hôm 18/8. (Ảnh: AFP).

Ở tuổi 37, bà Paetongtarn là Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan, cũng là nữ Thủ tướng thứ hai của quốc gia này và là thành viên thứ ba trong gia tộc Shinawatra đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước. Bà là con út của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.

Bà Paetongtarn tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị, xã hội học và nhân chủng học tại đại học Chulalongkorn năm 2008 và tiếp tục học thạc sĩ ngành quản lý khách sạn Quốc tế tại Đại học Surrey, Anh.

Trước khi bước vào chính trường, bà Paetongtarn là nữ lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý công ty bất động sản Rende Development và sở hữu cổ phần tại một số công ty lớn. Tính đến năm 2022, bà nắm giữ tổng cộng 21 công ty có giá trị khoảng 68 tỷ baht (tương đương 49.436 tỷ đồng).

Con gái út của ông Thaksin cũng là người chịu trách nhiệm điều hành mảng khách sạn của gia tộc Shinawatra.

Năm 2021, bà được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Đổi mới và Hòa nhập của đảng Pheu Thai, đảng được gia tộc quyền lực Shinawatra hậu thuẫn. Bà đóng vai trò nổi bật trong chiến dịch tranh cử của Pheu Thai năm ngoái, khi đảng này tìm cách tận dụng sự nổi tiếng gia tộc Shinawatra với các cử tri ở vùng nông thôn phía bắc và đông bắc.

Bà đã vận động tranh cử khi đang mang bầu, tham gia sự kiện tiếp xúc cử tri trực tuyến khi không còn di chuyển vì sắp sinh. Tuy nhiên, Pheu Thai đã về nhì trong cuộc bầu cử. Cuối cùng, bà đã không ra tranh cử thủ tướng.

Pheu Thai sau đó đã tập hợp được đủ phiếu từ các đảng nhỏ khác và lập ra chính phủ, đồng thời bầu ông Srettha Thavisin làm thủ tướng.

Bà Paetongtarn, dù đã có kinh nghiệm chính trị nhưng chưa bao giờ giữ chức vụ trong một chính phủ được bầu và chưa có kinh nghiệm quản lý hành chính. Tuy vậy, trong cuộc bầu cử năm ngoái, bà Paetongtarn đã chứng tỏ mình là một chính trị gia khéo léo và nhanh chóng chiếm được cảm tình của cử tri Pheu Thai vì có nét tương đồng với ông Thaksin, cùng với phong thái gần gũi và khả năng cô đọng các chính sách kinh tế thành ngôn ngữ đơn giản.

“Tôi hy vọng chính phủ của tôi sẽ mạnh mẽ nhất. Tất nhiên, tôi phải nhìn vào mặt tươi sáng", bà Paetongtarn phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi được bổ nhiệm.

Đồng thời cho biết: “Mặc dù ban đầu tôi không có ý định đảm nhận vai trò này nhưng tôi muốn đảm bảo với mọi người rằng tôi đã chuẩn bị đầy đủ và quyết tâm. Chúng ta phải nhìn vào mục tiêu. Nếu chúng ta ngồi và lo lắng về mọi thứ, chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình”.

Cam kết thúc đẩy kinh tế đất nước, cải thiện đời sống nhân dân

Nữ Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan cho biết: "Tôi hy vọng rằng có thể khiến mọi người cảm thấy lạc quan. Tôi sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người và trao quyền cho tất cả người dân Thái Lan và làm những gì có thể để đưa đất nước đi lên".

Tân Thủ tướng Thái Lan cam kết đưa đất nước trở thành vùng đất của cơ hội, hy vọng và hạnh phúc cho toàn thể người dân, đảm bảo “mỗi tấc đất của Thái Lan sẽ là không gian nơi mọi người có thể mơ ước, sáng tạo và định hình tương lai của mình”.

Bà cho biết, chính phủ của bà sẽ tiếp tục mọi chính sách của người tiền nhiệm         Srettha, bao gồm các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn và cải cách, giải quyết vấn nạn ma túy bất hợp pháp, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân của đất nước và thúc đẩy sự đa dạng giới tính.

Bà nói rằng, chính phủ của bà sẽ không từ bỏ kế hoạch phát khoảng 14 tỷ USD cho người dân thông qua ví kỹ thuật số nhưng sẽ tìm cách nghiên cứu và lắng nghe các lựa chọn bổ sung để đảm bảo chương trình này có phù hợp về mặt tài chính.

Chương trình phát tiền kỹ thuật số là trọng tâm của chính phủ tiền nhiệm Srettha nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng hàng năm ở mức 5% như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác. 

Theo chương trình này, khoảng 50 triệu người Thái có mức thu nhập dưới ngưỡng nhất định sẽ nhận được khoảng 10.000 baht, từ đó sẽ thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình. Đảng Pheu Thai lập luận, đây không phải chương trình hỗ trợ người nghèo mà thực chất là một cách bơm tiền vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Ban đầu chương trình dự định được triển khai vào đầu năm 2024, nhưng bị trì hoãn do tranh cãi về cách chính phủ sẽ chi trả cho gói kích thích cũng như những lo ngại tác động đến lạm phát.

Theo các nhà phân tích, chính phủ Thái Lan dưới sự lãnh đạo của bà Paetongtarn nhiều khả năng sẽ từ bỏ chương trình này và thay bằng các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Chèo lái nền kinh tế quốc gia chắc chắn sẽ là một thách thức lớn đối với bà Paetongtarn.

Minh Phương (Theo The Nation, Straits Times)

Báo Lao động và Xã hội số 101

Tin liên quan
Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

(LĐXH) - Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển...