Những tháng đầu năm, số lượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng giảm. Kết quả này phần nào cho thấy đà phục hồi của thị trường lao động việc làm.
Ngành kinh doanh BĐS nhu cầu tuyển dụng lớn trở lại
Trong 4 tháng đầu năm, 595.887 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 10% so với cùng kỳ; 6.470 người được hỗ trợ học nghề, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng cục Thống kê nhận định, tình hình lao động, việc làm quý I đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia về lao động, tín hiệu khởi sắc của thị trường lao động còn được nhận diện thông qua số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm. Điều đó thể hiện qua con số được cơ quan BHXH đưa ra.
Cụ thể, trong quý I, BHXH Việt Nam chi chế độ trợ cấp và hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho tổng số hơn 154.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm gần 2.000 người so với cùng kỳ năm trước. Phấn khởi hơn, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm dần tại các thị trường tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất, có đông người lao động sinh sống, làm việc.
Theo khảo sát của Falmi (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM), thị trường lao động thời gian qua sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023 khi nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề tăng 11,22% trong quý I.
Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với gần 54.000 chỗ làm việc, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực công nghiệp - xây dựng với hơn 29.000 chỗ làm việc, tăng 5,46%…
Tại Hà Nội, những tín hiệu cũng cho thấy thị trường lao động khởi sắc. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thị trường lao động Hà Nội tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành sẽ tăng trưởng.
“Xu hướng tuyển dụng đa dạng, phân bố trên nhiều ngành nghề, trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn (tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước), tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng... (tăng khoảng 10 - 15%).
Ngoài ra, nhóm ngành về khoa học, công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn do ảnh hưởng của xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên toàn cầu. Ngành kinh doanh bất động sản cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn trở lại sau khi bị đóng băng trong nửa đầu năm 2023", ông Vũ Quang Thành cho biết.
Đẩy mạnh kết nối việc làm giữa các địa phương
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 4 tháng đầu năm Bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các đơn vị đã tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm; nâng cao hiệu quả quản lý, điều tiết cung - cầu lao động để kết nối hiệu quả người lao động với người sử dụng lao động. Triển khai các giải pháp để xây dựng, hình thành thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, để phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong năm 2024.
Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021 - 2030…
Bộ cũng sẽ chú trọng phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng kết nối cung cầu lao động trên thị trường, nhất là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (cần nhiều lao động) với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc bộ, đồng bằng sông Cửu Long (nơi có nguồn nhân lực dồi dào); đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập; nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp…
Hoạt động kết nối việc làm với các địa phương cũng được đẩy mạnh hơn, thông qua phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu.
Nhờ đó, thị trường lao động các địa phương sẽ gần nhau hơn. Việc này hỗ trợ doanh nghiệp khi có nhiều nguồn tuyển lao động, cũng như người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp hơn.
Hà Phương
Báo Lao động Xã hội số 63