Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, các Công ước quốc tế
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc đề xuất xây dựng hồ sơ đề nghị Luật Việc làm (sửa đổi) xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Điều này đã được quy định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới và các Nghị quyết, Chỉ thị liên quan.
Đồng thời, dự án Luật cũng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 …); phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia.
Luật sửa đổi cũng đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả người lao động, trong đó có lao động không có quan hệ lao động được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ.
Giới thiệu các nội dung mới trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15. Tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm; rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan. Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm.

Đối tượng áp dụng của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm. Đối tượng áp dụng này được giữ nguyên như Luật Việc làm 2013. Dự thảo Luật được tiếp thu, rà soát, sửa đổi và kết cấu lại gồm 9 chương và 94 điều.
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn:
Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung.
Với nhóm chính sách này, Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định về đăng ký lao động đối với: người lao động có việc làm (người có việc làm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người có việc làm không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và người thất nghiệp (người lao động không có làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc).
Đồng thời, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, kết nối của các cơ sở dữ liệu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, dự kiến Luật Việc làm quy định trường hợp thông tin trong cơ sở dữ liệu về người lao động đã được cập nhật, điều chỉnh thông qua quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nghiệp vụ và thu thập, cập nhật các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.
Ở nhóm chính sách này, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 56), gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Đáng chú ý, đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 58). Theo đó, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng:
Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, luật hiện hành quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hoặc khi quỹ kết dư lớn.
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung thêm một trường hợp không được hưởng là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Ngoài ra, ở nhóm chính sách này, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định việc hỗ trợ tiền mặt, giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và các hỗ trợ khác để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ tình hình kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...

Mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài
Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đó, bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Ở nhóm chính sách này đáng chú ý, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự Luật sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Điều 7) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài (Điều 10), dự kiến Luật Việc làm sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành).
Đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định đảm bảo tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho NHCSXH (địa phương, tổ chức, cá nhân ủy thác cho NHCSXH có thể quyết định đối tượng khác được ưu tiên lãi suất hoặc ưu tiên vay vốn ngoài các đối tượng quy định chung).
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Bổ sung các quy định: hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi; chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh; Quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử; Quy định về xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia.
Sửa đổi, bổ sung các quy định: Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp; Các quy định liên quan về quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã nêu tại Tờ trình số 676.
Tuy nhiên, thực hiện đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật: chỉ quy định trong Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành.
Đánh giá Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các chính sách mới; tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến góp ý và bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.