Tại buổi tọa đàm, bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NKT TP Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, bên cạnh việc thúc đẩy tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để NKT tự tạo việc làm, Hội đặc biệt quan tâm xây dựng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tạo việc làm ổn định cho NKT và đã nhận được sự ủng hộ, phối hợp của một số doanh nghiệp.
"Những NKT tự tạo việc làm cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Buổi tọa đàm sẽ giúp NKT, đặc biệt là thanh niên khuyết tật hiểu rõ hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với NKT trong lĩnh vực đào tạo nghề và việc làm, nỗ lực bản thân nhiều hơn nữa để đón nhận những cơ hội việc làm", bà Diệp nhấn mạnh.
Chia sẻ về thực trạng công tác hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm cho NKT, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội cho biết, trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, vấn đề giải quyết việc làm, tạo việc làm phù hợp với NKT gặp nhiều khó khăn. Do vậy, trong thời gian qua Hội NKT Thành phố đã khuyến khích những NKT tham gia vào thị trường lao động chung, đồng thời Hội phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội truyền tải những nội dung thông tin tuyển dụng dành cho lao động là NKT theo nhiều kênh khác nhau như gửi công văn đến các hội quận, huyện, email, thư điện tử… để NKT nắm được những cơ hội tìm kiếm việc làm và tham gia trực tiếp vào các phiên giao dịch lồng ghép NKT.
Theo thống kê, mỗi năm có trên 300 NKT đã tham gia tại 4 phiên giao dịch việc làm, kết quả có 50 - 75 NKT tìm được việc làm. Đồng thời, những buổi tập huấn kỹ năng tìm việc, giữ việc và hòa nhập NKT vào môi trường làm việc cũng được tổ chức cho hàng trăm thanh niên khuyết tật của các quận, huyện nhằm trang bị cho họ kỹ năng và kiến thức cần thiết khi tham gia thị trường lao động. Bên cạnh đó, yếu tố tay nghề, thái độ nghiêm túc trong công việc luôn được nhấn mạnh trong các buổi tập huấn.
Qua đó, hội viên có cơ hội lắng nghe những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng thông qua các buổi tọa đàm, chia sẻ với doanh nghiệp và NKT tiếp nhận lao động là NKT. Nhiều người đã trực tiếp đến tham quan các doanh nghiệp, cơ sở có NKT làm việc để cảm nhận thực sự môi trường làm việc trong doanh nghiệp. Hàng năm Hội còn phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội tổ chức chương trình ngày hội việc làm, đã thu hút hàng nghìn người KT tham gia, trong đó lực lượng thanh niên chiếm phần lớn. Thông qua các chương trình, NKT đã tìm được nhiều cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Hội NKT các cấp quận, huyện, các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với các doanh nghiệp địa phương, trung tâm dạy nghề đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại chỗ cho hằng trăm NKT như lớp dạy nghề may công nghiệp tại các huyện: Hoài Đức, Ba Vì, Phú Xuyên… Các lớp làm đồ thủ công mỹ nghệ, pha chế đồ uống, lớp tin học cơ bản và đồ họa, bán hàng trực tuyến tại các quận: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Thanh Xuân, Ba Đình, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Phú Xuyên… Các lớp nấu ăn cho chị em phụ nữ khuyết tật tại Hội NKT huyện Mê Linh… Nhiều CLB phụ nữ khuyết tật của các quận, huyện hình thành các tổ chức, nhóm dạy nghề làm hoa lụa, đồ thủ công và tạo việc làm cho hội viên nữ tại địa phương như Thanh Xuân, Ba Đình…
"Hiện, Hà Nội đã có những cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) do NKT làm chủ và nhiều cơ sở nhận lao động là NKT. Tính đến thời điểm hiện tại Thành phố có hơn 20 cơ sở được công nhận là cơ sở SXKD với trên 30% lao động là NKT có tư cách pháp nhân và có đăng ký giấy phép kinh doanh", ông Nguyễn Hồng Hà cho hay.
Nhiều hội viên NKT có chung mong muốn được vay thêm nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất; đồng thời kiến nghị NKT được tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay chứ không phải qua các tổ chức khác để họ chủ động trong việc SXKD. Ngoài ra, nhiều NKT bị chấn thương cột sống đề xuất có dụng cụ hỗ trợ và có việc làm phù hợp để họ làm tại nhà.
Nhiều NKT chia sẻ, gần hai năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều NKT bị mất việc làm và mong muốn các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động là NKT để họ có việc làm, ổn định cuộc sống… Đồng thời, nhiều NKT kiến nghị, các cơ quan, tổ chức dạy nghề nên tìm hiểu xem NKT có nhu cầu làm việc gì phù hợp chứ không mang nghề để áp dụng cho NKT. Ngoài ra, phương pháp tư vấn cho NKT nên giảm lý thuyết và tăng phần thực hành, đặc biệt là việc cầm tay chỉ việc; tăng cường chương trình đào tạo nghề tại cộng đồng cho những NKT không có điều kiện tham gia các chương trình đào tạo chính quy.