Ngày 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn số 10965 gửi Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN; Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Cấp ủy, Chính quyền, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; với tinh thần chống dịch như chống giặc theo phương châm 4 tại chỗ, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.
Tuy nhiên, trước diễn biến rất phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước; Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều tỉnh, thành phố đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; các tỉnh, thành phố khác đã phải tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập và lây lan trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nhiều tỉnh, thành phố làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của người lao động và các tầng lớp Nhân dân.
Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Giám đốc các sở; trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả ngay một số nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong các đơn vị theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh; trong đó, yêu cầu tất cả các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch cụ thể theo các tình huống dịch và phù hợp với thực tiễn của hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị; thường xuyên thực hiện tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên hệ thống, rà soát khắc phục các tiêu chí chưa đạt theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế. Kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn và không thực hiện cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.
Thực hiện nghiêm việc tầm soát, xét nghiệm sàng lọc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các khu vực có nguy cơ cao theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 24/6/2021, Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 02/7/2021; kịp thời phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ngay từ đầu, tuyệt đối không để dịch lây lan thứ phát trong các đơn vị.
Triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo phương châm "một đường đi, hai điểm dừng"; để phòng, chống dịch hiệu quả cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp và cộng đồng, người lao động chỉ đi từ nơi ở đến nơi làm việc và khi về nhà không ra khỏi nhà; hướng dẫn và yêu cầu người lao động cam kết thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên đường đi, về, tại nơi ở, nơi lưu trú và tại nơi làm việc; đề nghị các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bố trí sắp xếp hoạt động sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ": sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.
Chỉ đạo các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải khẩn trương thực hiện nghiêm các nội dung sau:
- Tăng cường quản lý người lao động; phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy, Chính quyền các địa phương nơi lưu trú của người lao động tổ chức ký cam kết và yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tổ chức nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và những người liên quan (người cung cấp vật tư, hàng hóa, thức ăn…), xử lý nghiêm minh các trường hợp không khai báo hoặc khai báo không trung thực.
- Tạo môi trường làm việc thông khí, thoáng mát, thường xuyên thực hiện tiêu độc khử trùng khu vực sản xuất, khu vệ sinh, nhà ăn, khu sinh hoạt chung…
- Xây dựng phương án bố trí cho tất cả những người lao động ở tỉnh ngoài lưu trú và làm việc tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
- Điều chỉnh kế hoạch sản xuất; bố trí các ca, kíp sản xuất; thời gian làm việc; thời gian nghỉ giữa giờ đảm bảo giãn cách, hạn chế tối đa việc tập trung đông người cùng một thời điểm trong quá trình làm việc.
Đối với việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất giữa trong và ngoài tỉnh, yêu cầu những người tham gia vận chuyển phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K; có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xét nghiệm xác nhận âm tính với SASR-CoV-2 còn hiệu lực; thực hiện khai báo y tế; đồng thời, phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc tại các điểm giao nhận hàng, ở tỉnh ngoài; ghi chép chính xác lịch trình, địa điểm, người tiếp xúc khi giao nhận hàng và có biện pháp xử trí phù hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1015/TTg/CN ngày 25 tháng 7 năm 2021 về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân vùng có dịch COVID-19. Sở Y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các biện pháp phòng, chống dịch, các phương án khi có dịch; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng, đầu mối liên hệ để các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất và người lao động được biết, hỗ trợ khi cần thiết.