Những vụ TNLĐ gần đây trên cả nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, NLĐ và cơ quan quản lý nhà nước.
Những vụ tai nạn thương tâm
Ngày 1/5, một vụ nổ lò hơi kinh hoàng xảy ra tại xưởng sản xuất của Công ty gỗ Bình Minh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Vụ nổ cướp đi tính mạng 6 người (trong đó có giám đốc công ty, quốc tịch Trung Quốc) và 5 người bị thương.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai xác định, nồi hơi của Công ty gỗ Bình Minh đã hết hạn kiểm định an toàn từ ngày 26/11/2022 và bình nén khí đã hết thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn từ ngày 5/1/2024.
Nguyên nhân dẫn đến vụ nổ được kết luận là do nồi hơi và bình nén khí đã hết hạn kiểm định an toàn nhưng công ty không tiến hành kiểm định lại mà vẫn đưa vào hoạt động, sản xuất.
Hồi 15 giờ ngày 13/5, tại lò chợ mức -190/-170 vỉa 14.11, phân xưởng khai thác 7, Công ty Than Quang Hanh - TKV (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) xảy ra sự cố hầm lò làm 3 công nhân tử vong, 1 công nhân bị thương.
Trước đó, ngày 22/4, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này là do công nhân bất cẩn, sai sót trong quá trình ngắt, mở điện khiến động cơ chính máy nghiền số 3 hoạt động trong khi đang được sửa chữa.
Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2023, cả nước xảy ra 7.394 vụ TNLĐ, làm 7.553 người bị nạn. Con số này bao gồm cả khu vực có hợp đồng lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng.
Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất ở tất cả các khu vực là: TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ do phía người sử dụng lao động chiếm 46,05% tổng số vụ và 44,37% tổng số người chết. Nguyên nhân từ NLĐ vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ chiếm 15,85% tổng số vụ và 16,3% tổng số người chết. Số vụ còn lại do các nguyên nhân như: tai nạn giao thông, do người khác gây ra, khách quan khó tránh...
“Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều NLĐ chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ, chủ quan và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế”, đại diện Cục An toàn lao động cho biết.
Cần coi công tác đảm bảo ATLĐ như cơm ăn, nước uống hằng ngày
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), các vụ TNLĐ nghiêm trọng gần đây cho thấy, việc thực hiện đầy đủ quy định về ATLĐ đã không được chủ sử dụng lao động và NLĐ thực hiện nghiêm túc.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, những vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, dù hệ thống pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, song ở đâu đó công tác an toàn vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
“Điều 6, Điều 7 Luật ATVSLĐ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo an toàn, xây dựng hệ thống quản lý, bố trí người giám sát, xây dựng các quy trình, nội quy cũng như trước bất kỳ công việc nào đều phải huấn luyện trước khi cho NLĐ vào làm việc.
Đặc biệt, các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ thì phải lập phương án làm việc và có biện pháp đảm bảo an toàn, phải có phương án cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, các vụ TNLĐ xảy ra, các quy định trên đã không được người sử dụng lao động tuân thủ”, ông Thơ cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Thơ, doanh nghiệp có tư duy chưa đúng theo yêu cầu mới của Đảng và Nhà nước về công tác ATVSLĐ.
“Từ 10 năm trước, Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ đã nêu rõ, yêu cầu phải đánh giá được hiệu quả, tạo ra động lực, tạo ra những thay đổi từ đó cải thiện chế độ làm việc, phúc lợi, quyền lợi cho NLĐ.
Tuy vậy, không ít doanh nghiệp vẫn giữ tư duy rằng chi phí cho công tác ATLĐ là “mất đi” nên đầu tư ở mức tối thiểu để đối phó chứ chưa xem xét công việc đó đã đáp ứng được việc đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của NLĐ không? Môi trường làm việc thực sự được cải thiện hay chưa?
Đây là vấn đề mà người sử dụng lao động phải tự ý thức được, nhất là khi lực lượng lao động nước ta bắt đầu bước sang giai đoạn lựa chọn nơi làm việc hơn là các doanh nghiệp lựa chọn NLĐ. Do đó, điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn lao động, chính sách cơ bản cho NLĐ về tiền lương, đảm bảo sức khoẻ, phúc lợi chính là nền tảng để doanh nghiệp thu hút lao động”, TS Nguyễn Anh Thơ nói.
Còn theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, khi NLĐ không được đào tạo nghề, không được huấn luyện ATLĐ, không được cập nhật kiến thức và các biện pháp bảo đảm ATLĐ thường xuyên thì TNLĐ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Để thực hiện được vấn đề này đòi hỏi người quản lý tại doanh nghiệp phải quan tâm, có kế hoạch, huấn luyện, đào tạo, thanh tra, kiểm tra... Công việc này phải được làm thường xuyên để NLĐ nhận thức vấn đề ATLĐ như “cơm ăn, nước uống, khí thở hằng ngày”.
Nếu NLĐ, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhận thức được như vậy thì TNLĐ mới không xảy ra và công tác ATVSLĐ mới thành công”, ông Thắng nói.
Văn Lý
Báo Lao động Xã hội số 67