Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thúc đẩy chuẩn mực ứng xử học đường

(Dân sinh) - Kết quả khảo sát về tình hình bạo lực trên cơ sở giới trong trường học (BLGTH) tại các tỉnh miền núi của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện vào tháng 5/2019 cho thấy, 82,3% học sinh tham gia khảo sát tại 5 tỉnh miền núi đã trải qua BLGTH, trong đó: 41% đã trải nghiệm bạo lực thân thể, 75% đã bị bạo lực tinh thần, 39% gặp phải quấy rối và xâm hại tình dục ở trường học và trên đường tới trường.

Thúc đẩy chuẩn mực ứng xử học đường - Ảnh 1.

Đẩy mạnh ngăn ngừa, ứng phó bạo lực giới trong trường học.

Tự tử vì bị bạo lực học đường

Khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa tiếp nhận một bé gái 13 tuổi có hành vi tự tử do bạo lực học đường. Sự việc bắt đầu xảy ra với em từ giữa năm học khi cô giáo xếp em ngồi giữa hai bạn nam. Kể từ đó, em thường xuyên bị hai bạn trêu chọc, giật và ném sách vở. Nghiêm trọng hơn là em thường xuyên bị hai bạn lấy sách đập vào đầu. Ngoài ra, em còn bị cả lớp ghép đôi với một trong hai bạn nam đó khiến em luôn có cảm giác xấu hổ, căng thẳng và lo sợ nên không thể tập trung học khiến học lực giảm sút. Mỗi khi em không làm được bài hoặc bị điểm kém, cả lớp lại trêu chọc khiến em càng chán nản, tự ti và không muốn đi học. Nghĩ đến việc đi học, em luôn lo lắng, sợ hãi và cảm thấy không ai hiểu và giúp đỡ mình. Dần dần, em không muốn giao tiếp, thậm chí cả với bố mẹ và anh, chị em; không ăn cùng gia đình mà sinh hoạt một mình. Em cảm thấy cuộc sống xung quanh như cực hình và muốn được giải thoát khỏi cảm giác đầy căng thẳng và sợ hãi. Em đã nhắn tin cho vài người bạn thân rồi đi mua thuốc trừ sâu để uống.

Bố mẹ phát hiện và đã đưa em đi cấp cứu kịp thời. Tại Trung tâm Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhi luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ và đau đầu; suốt ngày chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện. Sau một tuần trị liệu tâm lý, tinh thần của bệnh nhi đã cải thiện: Khỏe và vui vẻ hơn, hòa đồng với các bạn trong phòng và mọi người; ăn, ngủ tốt hơn và được ra viện sau đó. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với bệnh nhi này, đặc biệt là khi đi học trở lại, nếu tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn thì có thể bệnh nhi lại tiếp tục có hành vi tự sát và hậu quả có thể còn đau lòng...

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Kết quả nghiên cứu đầu kỳ của một dự án khảo sát tại Hà Nội năm 2014 cho biết, hơn 70% học sinh báo cáo bị BLGTH, 65% học sinh báo cáo bị bạo lực tinh thần, 31% học sinh bị bạo lực thể chất và 11% học sinh bị bạo lực tình dục trong vòng 6 tháng trước khảo sát.

Rất ít học sinh khi bị bạo lực báo cáo, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ hay thầy cô, cho dù người gây ra bạo lực là ai và hình thức bạo lực là gì: 50% các em bị bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần thường tự mình giải quyết; 43% học sinh bị quấy rối, xâm hại tình dục im lặng, không báo cáo, chia sẻ với ai; chỉ 9,5% học sinh chọn cách báo cáo với thầy cô giáo (theo khảo sát của dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" tại 5 tỉnh miền núi năm 2019).

Trường học an toàn, thân thiện, bình đẳng

Sau 2 năm triển khai, Dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" tại 5 tỉnh miền núi (Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum) giai đoạn 2018 - 2022 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hơn 3/4 học sinh đã giúp đỡ bạn bè khi bị bạo lực; hơn 3/4 đã có những thay đổi trong thái độ và cách cư xử với bạn bè; gần 3/4 đã trao đổi với bạn bè về nội dung các tiết học; tăng 30% số học sinh chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ và tăng 20% học sinh đã chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của thầy cô.

Thúc đẩy chuẩn mực ứng xử học đường - Ảnh 3.

Nhân rộng mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng.

Gần 100% học sinh đánh giá cao tính phù hợp và cần thiết của các bài giảng của dự án do giáo viên chủ nhiệm tiến hành. Nhận thức về giới của giáo viên chủ nhiệm tăng lên gần 25% (từ 55% năm 2018). Giáo viên cũng báo cáo tăng thực hành các hình thức kỷ luật tích cực và giảm trừng phạt thân thể và tinh thần; đồng thời khoảng cách giữa học sinh và giáo viên cũng được thu hẹp.

Các chuyên gia đánh giá, Dự án đã giúp nâng cao năng lực của các trường trong thúc đẩy chuẩn mực ứng xử bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong và xung quanh trường học; học sinh nam và nữ của các trường tích cực tham gia vào ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong trường học.

Các Sở GD&ĐT của 5 tỉnh đã nhân rộng mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng (thêm 10 trường mới mỗi tỉnh) ngay từ đầu năm thứ 3 của dự án, cam kết tiếp tục thực hiện mô hình ở các trường học thực hiện dự án và tiến tới nhân rộng ra toàn hệ thống trường học tại các tỉnh trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Mô hình dự án nhân rộng tại các tỉnh miền núi, khó khăn này sẽ được đánh giá tổng thể và tài liệu hóa nhằm đưa ra bằng chứng cho việc duy trì tiếp nhận và nhân rộng hơn nữa thời gian tới", bà Hằng nhấn mạnh.