Khi Xiao Zhang sang Mỹ du học năm 2019, cô không bao giờ ngờ rằng một ngày nào đó mình sẽ phải tìm những công việc lặt vặt để trang trải học phí đại học.
Cô sinh viên Trung Quốc 24 tuổi đang theo học ngành thiết kế tại trường đại học ở bang Alabama. Cha mẹ của Zhang đã chi 1,5 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 211.500 USD để chu cấp cho việc học tập và sinh hoạt của cô ở nước ngoài.

Nhưng tháng 10 năm ngoái, cha mẹ nói với Zhang rằng họ đang gặp vấn đề về tài chính và không thể tiếp tục chu cấp cho cô. Vào thời điểm đó, Zhang chỉ còn đủ tiền để trả 3 tháng tiền thuê nhà, trong khi vẫn cần phải trả học phí cho 1 học kỳ nữa.
Zhang không phải trường hợp duy nhất. Những trường hợp như cô ngày càng phổ biến. Kể từ năm 2023, hơn 4,58 triệu lượt xem hashtag (từ được gắn thẻ chú ý trên mạng xã hội) “cắt nguồn tài trợ cho du học” trên nền tảng mạng xã hội “Xiaohongshu”, thường được coi là Instagram của Trung Quốc.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài gặp khó khăn do gia đình gặp vấn đề tài chính, nhiều người đã lên mạng để bày tỏ tình trạng khó khăn và tìm lời khuyên.
Khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc vẫn chậm và nhiều gia đình rơi vào khó khăn. Một cuộc khảo sát năm 2023 do New Oriental Education và Kantar thực hiện cho thấy trong số sinh viên và phụ huynh có ý định theo đuổi bằng cấp sau đại học ở nước ngoài, 27% cho biết kế hoạch chu cấp tài chính của họ đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Con số này cao hơn nhiều so với 19% người chia sẻ khó khăn tương tự vào năm 2021 và 2022.
“Tôi không có thời gian để cảm thấy buồn vì tôi cần kiếm tiền để trả học phí và tiền thuê nhà càng sớm càng tốt”, Zhang nói.
Cha của Zhang đã đầu tư vào ngành dược phẩm trong thời kỳ đại dịch Covid-19 nhưng đã bị lỗ lớn, tài sản và các khoản đầu tư ngày càng giảm sút. Ông nói với con gái rằng không thể hỗ trợ việc học của cô ở Mỹ, đồng thời đề nghị trả tiền vé máy bay cho cô về nước.
Zhang bắt đầu tìm kiếm các công việc bán thời gian như trông trẻ hoặc làm việc trong trường nhưng điều đó cũng không dễ dàng. Cô chỉ tìm được một công việc tạm thời ở tiểu bang khác.
“Từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, tôi phải làm việc từ 7h mỗi ngày. Tôi kiệt sức và không có thời gian để học. Nhưng ít nhất tôi cũng kiếm đủ tiền để trang trải học kỳ tiếp theo”, Zhang cho biết thêm.
Michael Bai, 21 tuổi, là sinh viên gốc Trung Quốc đang theo học Lịch sử Kinh tế và Xã hội tại Đại học Glasgow. Sau khi hoàn thành học kỳ đầu tiên vào tháng 12/2022, cha anh thông báo rằng công việc kinh doanh bất động sản của ông đã phá sản. Bai đã phải tìm cách thanh toán các hóa đơn của mình.
Anh đã làm nhiều công việc để trang trải chi phí, bao gồm: Giao đồ ăn, làm việc trong nhà hàng, bán sản phẩm trong cửa hàng và pha trà sữa. Cha của Bai trước đây kiếm bộn tiền nhờ đầu tư bất động sản nhưng đã bị ảnh hưởng nặng nề do sự suy thoái nghiêm trọng của ngành bất động sản ở Trung Quốc.
Trong khi sinh viên đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh phí, thì học phí ngày càng tăng từ các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ và Anh đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Một báo cáo gần đây cho thấy, học phí đại học ở Mỹ năm học 2023 - 2024 đã tăng đáng kể so với 20 năm trước, thậm chí một số trường hợp còn tăng gấp đôi.
Sinh viên quốc tế phải trả học phí cao hơn tại các trường đại học hàng đầu của Anh. Chính phủ Anh đã giới hạn mức học phí cho sinh viên địa phương để họ có thể tiếp cận nền giáo dục cao và học phí do sinh viên quốc tế đóng là nguồn thu quan trọng của các trường đại học.
Cũng như các sinh viên Trung Quốc khác, Bai buộc phải tìm cách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Anh bắt đầu kinh doanh chung với bạn bè thông qua việc bán ô tô đã qua sử dụng và cung cấp các dịch vụ liên quan.
Công việc kinh doanh có thể tạo ra doanh thu 60.000 bảng Anh/tháng (khoảng 75.100 USD). Thu nhập từ công việc kinh doanh đủ để hỗ trợ anh học tập và Bai dự định tiếp tục công việc kinh doanh ngay cả khi đã lấy được bằng.
Thành Đạt (theo CNBC)
Báo Lao động Xã hội số 64