Giữa bối cảnh nền kinh tế có phần ảm đạm ảnh hưởng tới triển vọng việc làm, giới trẻ Trung Quốc có xu hướng tìm đến các món đồ chơi và mô hình để cải thiện tâm trạng.
Họ không tiếc tiền để mua những món đồ này, tạo ra một sự bùng nổ giữa lúc ngành bán lẻ của quốc gia tỷ dân có chiều hướng sụt giảm.
Được gọi bằng thuật ngữ "guzi", ám chỉ các sản phẩm dựa trên các nhân vật trong phim hoạt hình, truyện tranh và trò chơi.
Ngành guzi của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt giá trị thị trường 15,08 tỷ USD vào năm 2026, gần gấp đôi con số 8,2 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2023, theo một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc và Hiệp hội Công nghiệp Hoạt hình Trung Quốc.
Các cửa hàng bán guzi này đã trở thành một phần quen thuộc tại các trung tâm thương mại trên khắp Trung Quốc, với một số cửa hàng có doanh thu hàng ngày vào khoảng hơn 1.300 USD.
Khi bước vào bất kỳ cửa hàng nào, người mua có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm dựa trên các bộ phim hoạt hình Nhật Bản, hoặc các bộ phim Trung Quốc. Giá của các món đồ tối thiểu khoảng 9 USD, nhưng có thể đắt hơn nhiều tùy vào độ hiếm của sản phẩm.
Đặc biệt, nhân vật Labubu - một hình tượng lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích Bắc Âu - đã gây sốt trên toàn thế giới, với những món đồ chơi có giá lên tới 7.400 USD trên nền tảng thương mại trực tuyến eBay.
Dữ liệu từ Tianyancha, một trong những cơ sở dữ liệu công ty lớn nhất của Trung Quốc, cho thấy số lượng công ty trong ngành guzi của nước này đã tăng 14% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2024, lên tổng số hiện tại là 64.000, so với cùng kỳ năm 2023.
Hầu hết các cửa hàng này tập trung ở Thượng Hải, tiếp theo là Bắc Kinh và Thành Đô.
Các bạn trẻ Trung Quốc cho rằng việc mua guzi là một hình thức “chi tiêu đổi lấy cảm xúc”.
Liu Zhengmei, một sinh viên đại học 20 tuổi ở Trùng Khánh, cho biết việc trưng bày đồ chơi trên bàn học và trong phòng ký túc xá mang lại cho cô và các bạn cùng phòng “năng lượng tinh thần”. Cô ước tính đã chi khoảng 822 USD cho những món đồ này kể từ khi bắt đầu sưu tầm đồ chơi vào đầu năm nay.
“Chúng giúp tôi vượt qua những ngày bận rộn và đánh lạc hướng khỏi những lo lắng như việc có nên nộp đơn học cao học hay tìm việc làm, những vấn đề có vẻ rất lớn, đặc biệt là vào những ngày tồi tệ", cô nói.
Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao, sau khi đạt mức kỷ lục 18,8% trong tháng 7 và tháng 8 năm nay.
Nhiều người lao động phàn nàn về tình trạng cắt giảm lương và chậm trễ trong việc trả lương.
Không phải ai cũng mua guzi để an ủi tinh thần; một số người sưu tầm những món đồ này, đặc biệt là những món hàng hiếm hoặc phiên bản giới hạn, như một hình thức đầu tư.
Huang Yan, 21 tuổi, một sinh viên đại học ở Shenyang, cho biết anh đôi khi lên Xianyu, một ứng dụng chợ đồ cũ nổi tiếng ở Trung Quốc, để tìm kiếm những món guzi hiếm để giữ hoặc bán lại.
“Bán lại những món đồ cũ hoặc phiên bản giới hạn có thể trở thành một công việc phụ cho tôi trong tương lai, bởi vì bây giờ thật khó để tìm một công việc". Huang nói.
Bai Wanxia, 25 tuổi, một quản lý hành chính, cho biết cô đã đến các trung tâm thương mại ở Singapore trong một tuần vào tháng 4 để tìm hiểu xem thị trường guzi ở địa phương như thế nào.
Cô đang tìm những món đồ chỉ có thể mua được ở Singapore hoặc Đông Nam Á để làm quà lưu niệm cho bạn bè hoặc bán lại trên mạng.
“Cơn sốt gần đây đối với guzi mang lại cơ hội kinh doanh tốt, vì vậy tôi nghĩ tôi sẽ tích trữ một số món đồ phiên bản giới hạn, đặc biệt là những món không dễ tìm ở Trung Quốc, để xem liệu chúng có tăng giá trị theo thời gian không", cô chia sẻ.
Các chuỗi cửa hàng đồ chơi đã hưởng lợi từ xu hướng này.
Doanh thu của Pop Mart, chuỗi cửa hàng đồ chơi Trung Quốc, đã tăng từ 100 đến 125% trong 3 tháng đến tháng 9, so với cùng kỳ năm 2023. Đối thủ của họ, Top Toy, ghi nhận doanh thu tăng 37,9% so với năm trước trong nửa đầu năm 2024.
Sự tăng trưởng doanh thu đồ chơi đã mang lại điểm sáng cho ngành bán lẻ đang ảm đạm Trung Quốc.
Liu, sinh viên đại học ở Trùng Khánh, cho biết cô rất vui khi chi tiêu cho đồ chơi và tượng mô hình, vì đại dịch Covid-19 đã dạy cô rằng “không gì quan trọng hơn việc sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc”.
Đức Hoàng (theo Straits Times)
Báo Lao động và Xã hội số 155