Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Trung Quốc: Ưu tiên giải quyết thất nghiệp ở giới trẻ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở giới trẻ đã thôi thúc chính phủ Trung Quốc tìm kiếm các giải pháp nhằm tạo thêm việc làm và hỗ trợ sinh viên mới tốt nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng của giới trẻ Trung Quốc đang khiến chính phủ “đau đầu”. Vấn đề cấp bách đến mức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các quan chức cấp cao coi đây là "ưu tiên hàng đầu". Nhiều nhà phân tích coi kêu gọi của ông Tập như một tín hiệu cho thấy các cải cách có thể sắp được đưa ra.

Số liệu cho thấy, trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc là 14,7%. Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi có thêm 11,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong tháng 6.

Ảnh Bài 1_Hội chợ việc làm TQ.jpg

Con số đó đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 21,3% vào giữa năm 2023, trước khi các nhà chức trách tạm dừng công bố số liệu hàng tháng. Sau khi điều chỉnh phương pháp tính toán, việc công bố lại số liệu bắt đầu vào tháng 12 cùng năm.

Các công ty trong ngành dịch vụ khách sạn và nhân sự chiếm phần lớn tại hội chợ việc làm vừa diễn ra ngày 31/5. Đây là một trong nhiều hội chợ do chính quyền địa phương tổ chức trong những tuần gần đây nhằm chuẩn bị cho làn sóng sinh viên sắp tốt nghiệp.

Một trong số ít người trẻ tìm việc tại hội chợ, sinh viên ngành khoa học dữ liệu chia sẻ với hãng tin AFP rằng: "Thật khó để tìm được công việc phù hợp với bằng cấp và nguyện vọng của mình”.

Julia Shao, người đang tuyển dụng nhân sự cho một chuỗi nhà hàng cho biết: “Nhiều sinh viên đại học đang kỳ vọng quá cao. Họ không thích loại công việc cơ bản này. Họ thích một công việc sang chảnh hơn”.

Chuyển đổi chính sách

Ngày 27/5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến các sinh viên tốt nghiệp trong bài phát biểu trước Bộ Chính trị và nhấn mạnh "cần tạo thêm nhiều việc làm để sinh viên áp dụng những gì họ đã học và những gì họ giỏi”.

Erica Tay, giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại ngân hàng Maybank cho rằng, phát biểu của ông Tập đã tiếp nối "một loạt bình luận từ giới lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh tính cấp bách" của vấn đề.

Cùng với việc tình trạng tiêu dùng liên tục ở mức thấp và cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, vấn đề thất nghiệp được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc diễn ra không đồng đều.

Nhà kinh tế học Harry Murphy Cruise tại tổ chức Moody's Analytics cho hay: "Chúng tôi hy vọng các chính sách nhằm giảm thất nghiệp ở giới trẻ sẽ là trọng tâm thảo luận sắp tới".

“Nên khuyến khích người trẻ tìm việc làm hoặc khởi nghiệp trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp trọng điểm; cần mở rộng các kênh thị trường và xã hội để tạo cơ hội cho người trẻ tìm việc làm", ông Tập Cận Bình nói.

Murphy Cruise hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ tăng trợ cấp tiền lương để khuyến khích các công ty thuê sinh viên mới tốt nghiệp cũng như tạo thêm nhiều vị trí thực tập cho sinh viên. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tạm thời.

“Về lâu dài, cần có những cải cách lớn hơn về chính sách công nghiệp và giáo dục để đảm bảo sự phù hợp hơn giữa kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp và nhu cầu của nhà tuyển dụng”, ông nhận định.

Bà Erica Tay cho rằng, chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy việc làm trong các lĩnh vực "phù hợp với các ưu tiên chính sách quan trọng" hoặc những nơi thiếu hụt kỹ năng, chẳng hạn cải cách công nghiệp và đổi mới khoa học.

Cơ hội việc làm đang khan hiếm đối với những người học ngành xã hội học, báo chí và luật. Do vậy, chính phủ nên tài trợ các “chương trình đào tạo vừa học vừa làm” để người trẻ có thể chuyển đổi sang những ngành nghề đang cần nhiều nhân lực.

Hạ thấp kỳ vọng

Các sinh viên năm cuối khoa luật của một trường đại học hàng đầu Thượng Hải cho biết, thị trường việc làm thực sự khó khăn. Qian Le (22 tuổi) chia sẻ: "Sau đại dịch, mọi thứ khó khăn hơn". 

Anh cũng đề cập đến tình trạng sa thải và cắt giảm lương gần đây tại các công ty luật hàng đầu Trung Quốc. "Ngay cả những người đã có việc làm cũng có thể không giữ được việc, vì vậy những người mới có thể sẽ khó xin việc hơn”.

Qian và bạn cùng lớp, Wang Hui, đều đã chọn học lên cao hơn. "Tình hình kinh tế khá trì trệ, nhiều công ty đã phá sản và cắt giảm nhân công”, Wang chia sẻ.

Khu vực tư nhân của Trung Quốc từng phát triển mạnh mẽ giờ đây chậm lại đáng kể. Nhiều người trẻ tuổi đang chọn học để thi công chức. Đây được coi là lựa chọn ổn định hơn hoặc giống như Wang và Qian là học lên cao học.

Theo chuyên gia Tay, vào tháng 3, các trường đại học đã kêu gọi sinh viên tích cực tìm việc làm. Tuy nhiên, Wang cho biết: "Cạnh tranh rất lớn, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học cũng đang tăng dần qua các năm".

Karl Hu, sinh viên luật nói rằng khó khăn không nằm ở việc tìm việc làm. “Vấn đề là tìm một nghề nghiệp phù hợp về mức lương và phúc lợi”, anh giải thích. Bản thân Hu đang có một công việc tốt tại ngân hàng nhưng anh cho rằng nhiều người sẽ phải "hạ thấp kỳ vọng của họ" khi tìm việc.

Bùi Thúy (theo AFP)

Báo Lao động Xã hội số 78