Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Tuân thủ Thỏa thuận xanh EU để xuất khẩu bền vững

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) là kế hoạch toàn diện và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu đến năm 2050.

Để thực hiện Thỏa thuận xanh, EU đang và sẽ xây dựng các chính sách xanh trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đặt ra các tiêu chuẩn và yêu cầu mới. Điều này sẽ có tác động đáng kể đến xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh 

EGD là Chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050, được thông qua ngày 15/1/2020.

Tuân thủ Thỏa thuận xanh EU để xuất khẩu bền vững - 1
Tuân thủ Thỏa thuận xanh của EU giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu bền vững.

Chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai EGD, EU đã có nhiều chính sách xanh đang hoặc dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này như chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F), kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (CEAP), cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), quy định chống phá rừng của EU (EUDR)…

Về phía Việt Nam, các chính sách xanh của EU đang tác động đến xuất khẩu thông qua nhiều phương diện khác nhau. Đầu tiên, việc tăng cường các tiêu chuẩn "xanh, bền vững" đối với hàng hóa xuất khẩu là một trong những điểm phổ biến nhất. Tiếp theo, các quy định về trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất đối với mục tiêu "xanh, bền vững" cũng được tăng cường.

Cuối cùng, yêu cầu về thủ tục khai báo thông tin và trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu cũng như cung cấp thông tin về các khía cạnh "xanh, bền vững" của sản phẩm cho người tiêu dùng đang được đặt ra.

Có 7 nhóm hàng hóa chịu tác động mạnh nhất của EGD của EU bao gồm: Sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị và linh kiện liên quan; nông sản như cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt và thủy sản; thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; ngành dệt may và giày dép; hóa chất, phân bón, pin và ắc quy; ngành công nghiệp sắt thép và nhôm; bao bì của các loại sản phẩm, đặc biệt là bao bì thực phẩm và hóa chất.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu cho biết, EGD của EU đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng tạo ra cơ hội phát triển mới. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.

EGD, cụ thể là kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn, sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt.

Trong ngành bao bì, bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như các doanh nghiệp sử dụng bao bì cho sản phẩm xuất khẩu.

Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi EGD là nông sản và thủy sản. EGD đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, điều này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và giảm sử dụng hóa chất độc hại.

Xuất khẩu bền vững

Theo các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực thương mại, sau 4 năm thực thi EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019, lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU tăng 8,7% so với cùng kỳ. EU cũng nằm trong top 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất và top 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Là thị trường lớn, EU luôn nằm trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Do đó, việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ EGD là yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì và phát triển bền vững ở thị trường EU nói riêng và những thị trường đang có  hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.

Đồng thời, việc thích ứng sớm với yêu cầu xanh của EU cũng đảm bảo khả năng xuất khẩu sang các thị trường khác đang thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường. Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh có thể tăng cường hiệu suất kinh doanh và tiết kiệm chi phí trong dài hạn. Trên mặt bằng vĩ mô, việc tham gia chuyển đổi xanh cũng góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam”.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần nhận diện được những khó khăn, thách thức về sản phẩm của mình đối với những quy định từ EGD.

Về chiến lược lâu dài, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển công nghiệp xanh, chính sách để thu hút đầu tư cũng như định hướng phát triển những dự án công nghiệp thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Nhà nước cũng thực hiện hàng loạt hỗ trợ ngắn hạn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.

EGD của EU đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà Thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.

Có 7 nhóm hàng hóa chịu tác động mạnh nhất của Thoả thuận xanh EU bao gồm: Sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị và linh kiện liên quan; nông sản như cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt và thủy sản; thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; ngành dệt may và giày dép; hóa chất, phân bón, pin và ắc quy; ngành công nghiệp sắt thép và nhôm; bao bì của các loại sản phẩm, đặc biệt là bao bì thực phẩm và hóa chất.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 113