Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Vẫn nóng chuyện khởi nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên

(Dân sinh) - Đoàn thanh niên hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, đào tạo nghề; tạo cơ chế thu hút và trọng dụng tài năng trẻ, giới khoa học; quan tâm hơn đến nhu cầu, đời sống của thanh niên công nhân… Đây là những vấn đề nhiều bạn trẻ quan tâm tại buổi đối thoại giữa Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn đối thoại với thanh, thiếu nhi Việt Nam trong và ngoài nước tổ chức ngày 16/3 tại Hà Nội với chủ đề “Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước”.

Chương trình đối thoại có sự tham gia của hơn 70 điểm xem trực tiếp qua Zoom, từ các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, các bạn thanh niên tiêu biểu ở trong và ngoài nước.

Trung ương Đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên đặc biệt là thanh niên nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đông đảo bạn trẻ quan tâm. Đoàn viên Lò Bá Chầu (dân tộc Dao), huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi: Trong thời gian tới, T.Ư Đoàn có các giải pháp, cơ chế gì để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế, tháo gỡ những khó khăn cho thanh niên tại các Làng Thanh niên lập nghiệp do Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng?

Vẫn nóng chuyện khởi nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên - Ảnh 1.

Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn trả lời câu hỏi của thanh, thiếu nhi.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết,  hiện tỉnh Hà Giang chỉ mới có một làng thanh niên lập nghiệp tại huyện Vị Xuyên. Mô hình Làng thanh niên lập nghiệp được xây dựng thí điểm từ 2001-2020, sau đó phát triển tiếp ở biên giới. Về cơ bản, những làng này đã tạo ra công ăn việc làm, giữ vững được an ninh trật tự, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia ở một số khu vực biên giới. Tuy nhiên các làng đều trong những vùng sâu vùng xa khó khăn về giao thông, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm làm ra, có hiện tượng cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều thanh niên bỏ làng đi khi hết hỗ trợ ban đầu. "Trong thời gian tới, T.Ư Đoàn sẽ phối hợp cùng các đoàn cơ sở, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp bàn giao công nghệ, đầu tư, củng cố lại cơ sở vật chất tại địa phương để duy trì dân sinh, xây dựng các khu vui chơi học tập cho trẻ em, xây dựng lại đường xá, cơ sở giao thông hạ tầng và triển khai các mô hình sinh kế đến từng hộ gia đình", anh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của Chẩu Thanh Ngà (dân tộc Tày) xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang: "T.Ư Đoàn có giải pháp gì cho vấn đề này để phát huy tinh thần, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp?", Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, không có gì có thuận lợi dễ dàng cả, nhất là khởi nghiệp. Phải có khó khăn, thất bại thì "hoa thơm trái ngọt" mới có giá trị. Nếu cái gì cũng thuận lợi, cũng thẳng băng băng, được hỗ trợ hết thì lúc đó đâu cần tinh thần người khởi nghiệp. Đối với nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thời gian tới T.Ư Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, triển khai nguồn vốn 120, thúc đẩy địa phương tham mưu xây dựng quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Các thanh niên khởi nghiệp cần ý thức được 3 vấn đề. Đó là dự án khởi nghiệp phải suy nghĩ thấu đáo, chín chắn, được viết ra, trình bày bài bản thuyết phục. Cần tìm tòi đổi mới, liên kết với bạn bè. Các mô hình du lịch cộng đồng hiện đang phát triển, có xu hướng tốt hơn.

Vẫn nóng chuyện khởi nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên - Ảnh 2.

Các đoàn viên nêu câu hỏi tại buổi đối thoại.

Cùng về ván đề hỗ trợ  nguồn vốn, trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên được nhiều đoàn viên đặt câu hỏi, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Hiện nay thanh niên khởi nghiệp có 4 nguồn vốn cơ bản. Vốn thông qua tín dụng chính sách. Tuy nhiên nguồn vốn này chỉ phù hợp với các bạn thanh niên nông thôn, và vay vốn chỉ lên tới 1 tỷ đồng không cần thế chấp, nhưng có nhiều bạn chưa thực sự biết làm đề án kêu gọi vốn, chưa thực sự thuyết phục được kêu gọi đầu tư. Vốn đến từ các quỹ thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên chưa có nhiều cuộc gọi vốn, chưa có kết nối đến các nhà đầu tư cho các bạn trẻ. Vốn đến từ các chương trình tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn vốn đến từ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số. Vốn từ Ủy ban của các địa phương ủy thác vào Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Đến nay 28 tỉnh thành phố đã có vốn ủy thác vào quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tạo cơ chế về mặt nguồn vốn cho các bạn thanh niên.

Tỷ lệ sinh viên vào trường nghề tăng rất cao

Tại buổi đối thoại, rất nhiều đoàn viên quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trẻ. Đoàn viên Giang Quốc Cường (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho rằng, nhu cầu của xã hội và thị trường lao động đối với lao động đã qua đào tạo là rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh phổ thông vào học nghề vẫn chưa đáp ứng được số lượng và chất lượng. "Vậy đâu nguyên nhân của thực trạng này và T.Ư Đoàn có giải pháp thời gian tới như thế nào về vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh trong giai đoạn tiếp theo?", Giang Quốc Cường gửi câu hỏi đến Trung ương đoàn.

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, tồn tại thực tế này do nguyên nhân cơ bản nhất là tâm lý xã hội, nhiều bạn trẻ quan niệm đi học là phải học đại học, không quan tâm bản thân mình, điều kiện gia đình có phù hợp, với ngành nghề, điều kiện học tập hay không. Điều đó làm lệch cơ cấu học tập, nhiều sinh viên tốt nghệp đại học không có việc làm. Việc này Bộ LĐ-TB&XH đã có sự điều chỉnh tư vấn hướng nghiệp, các trường nghề được đầu tư bài bản. Ban Giám hiệu các trường nghề cam kết từ lúc đầu vào với sinh viên là ra trường chắc chắn có việc làm. Vì thế những năm gần đây, tỷ lệ học sinh vào học trường nghề đông hơn nhiều. "Theo tôi, chúng ta cần có các giải pháp, thay đổi nhận thức các bạn làm sao chọn nghề phù hợp sở trường, nguyện vọng, điều kiện gia đình, đừng chạy theo xu thế mà không có tính toán gì đến tương lai  của mình", anh Bùi Quang Huy nói.

Cũng theo anh Huy, hiện T.Ư Đoàn tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp, kết nối doanh nghiệp. Những hoạt động này hoạt động hiệu quả sẽ có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ việc làm, tư vấn hướng nghiệp đúng đắn cho các bạn trẻ.

Làm rõ thêm thêm về nội dung này, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: "Gần đây với sự thay đổi cơ chế đào tạo học nghề, tỷ lệ sinh viên vào trường nghề tăng rất cao. Các trường nghề lớn tuyển hết chỉ tiêu mà vẫn còn dư học sinh học có nhu cầu vào học. Đây là bức tranh thay đổi rất lớn thể hiện sự thay đổi trong thay đổi nhận thức xã hội học sinh, trong việc thu hút học sinh học nghề".