Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Việc làm tăng nhưng chưa bền vững

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Quý II, lao động có việc làm xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Gia tăng lao động phi chính thức 

Theo báo cáo mới nhất về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II ước tính là 52,5 triệu người, tăng 148.600 người so với quý trước và tăng 217.300 người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ năm trước.

ảnh 3a -.jpg
Lao động phi chính thức tăng trong quý II.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II là 28,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28%, tăng 1,4 điểm phần trăm; điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.

Lao động có việc làm quý II ước tính là 51,4 triệu người, tăng 126.600 người so với quý trước và tăng 217.400 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 145.600 người so với quý trước và tăng 728.100 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 19.000 người và giảm 510.700 người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm trong quý II ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,1%; khu vực dịch vụ là 20,7 triệu người, chiếm 40,3%.

Tính chung 6 tháng, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 687.900 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 492.200 người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm 6 tháng đầu năm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,7% và giảm 112.800 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,1% và giảm 201.200 người; khu vực dịch vụ là 20,7 triệu người, chiếm 40,2% và tăng 509.700 người.

Mặc dù lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II là 33,5 triệu người, chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm và tăng 271.700 người so với quý trước và tăng 210.300 người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,7%, khu vực nông thôn là 74,5%.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II là 948.000 người, tăng 15.000 người so với quý trước và tăng 7.300 người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940.500 người, tăng 27.300 người so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân của người lao động giảm so với quý I

Thu nhập bình quân của người lao động quý II là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137.000 đồng so với quý I và tăng 490.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Tính chung 6 tháng, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là 2,29%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II của khu vực thành thị là 4,1% và khu vực nông thôn là 4,3%. Tính chung 6 tháng, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15 - 34 tuổi (chiếm 49%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý II là 3,9 triệu người, giảm 28.500 người so với quý trước và giảm 19.300 người người so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 2,3 triệu người từ 55 tuổi trở lên (chiếm 58,4%). Tính chung 6 tháng, lao động làm công việc tự sản tự tiêu là gần 4 triệu người, giảm 35.400 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn.

Hà Phương

Báo Lao động Xã hội số 80

 

Tin liên quan
Gieo mầm xuân cho tương lai

Gieo mầm xuân cho tương lai

(VTE) - Tết Trồng Cây không chỉ giúp thiên nhiên xanh tươi hơn mà còn dạy các em yêu lao động, bảo vệ môi trường và ghi nhớ công ơn Bác Hồ kính yêu.
Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

(LĐXH) - Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, nhân lực giỏi công nghệ, biết vận dụng AI vào công việc...
Nhiều giải pháp hút lao động sau tết

Nhiều giải pháp hút lao động sau tết

(LĐXH) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, trước tết, Bộ đã có dự báo tình hình và hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các giải...