Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: “Khát” nhân lực chất lượng cao

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước với nhiều ngành nghề sản xuất, dịch vụ hiện đại, vùng Đông Nam bộ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều khó khăn, cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Cung không đủ cầu

Với mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 8,5% của TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) dự báo nhu cầu nhân lực năm 2024 của thành phố cần thêm 300.000 - 320.000 lao động.

Trong đó, quý I cần khoảng 77.500 - 86.000 người; quý II khoảng 75.470 - 77.168 người; quý III khoảng 68.910 - 73.504 người và quý IV khoảng 78.120 - 83.328 người. 

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: “Khát” nhân lực chất lượng cao - 1
Lao động kỹ thuật cao không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương cho biết, năm nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 60.000 - 80.000 công nhân lao động.

Hiện Tập đoàn Lego của Đan Mạch đang hoàn thiện nhà máy sản xuất đồ chơi cho trẻ em trị giá trên 1 tỷ USD, cần tuyển lượng lớn nhân sự có trình độ để vận hành sản xuất. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại thì khả năng tay nghề của người lao động có thể đáp ứng ngay nhu cầu thực tế của nhà máy là khá khó khăn. 

Còn theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, 600 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động; trong đó, nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động chất lượng cao nhưng không tuyển đủ.

Đơn cử như Công ty TNHH Elite Long Thành (khu công nghiệp (KCN) Lộc An - Bình Sơn) từ đầu năm đến nay cần tuyển gần 1.700 lao động. Trong đó, 1.500 công nhân may và 200 lao động trình độ cao nhưng hiện chưa tuyển đủ.

Là một trong những địa phương có số lượng KCN nhiều nhất cả nước với 32 KCN đi vào hoạt động, Đồng Nai định sẽ ưu tiên thu hút những dự án đầu tư có chất xám cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, sử dụng ít lao động phổ thông, đẩy mạnh tự động hóa.

Bên cạnh nhu cầu của các KCN thì một đại dự án dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2026 là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ cần 14.000 lao động.

Trong đó, lao động trình độ trung cấp và cao đẳng là hơn 2.200 người, sơ cấp hơn 3.800 người, còn lại là trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và lao động phổ thông. Tuy nhiên, trước sự thay đổi về nhu cầu lao động này đến nay nguồn nhân lực chất lượng cao đều không đủ cung ứng.

Theo Giám đốc Falmi Nguyễn Hoàng Hiếu, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đang thay đổi mô hình thu hút đầu tư và tăng trưởng.

Dự báo nhiều năm tới Đông Nam  bộ vẫn là thị trường thu hút nhiều lao động nhưng phải có trình độ cao thay vì lao động phổ thông. Do đó, cả cơ sở đào tạo và người học cần phải tuân theo quy luật của thị trường lao động, đó là luôn đảm bảo chất lượng đào tạo và tay nghề.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân số vùng Đông Nam bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 6,6%, nhưng lại không đồng đều giữa các tỉnh, thành.

TPHCM đứng đầu với khoảng 9,8% dân số có trình độ đại học, tiếp đó là Bà Rịa - Vũng Tàu với 4,8%, Đồng Nai có 3,5%, Bình Dương có 2,7%. Những tỉnh còn lại đều có tỷ lệ thấp hơn nhiều.

Hầu hết ngành kinh tế - xã hội đòi hỏi sự cải thiện về chất lượng nhân lực, trong đó có những ngành sản xuất, dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao như: Công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí, du lịch, y tế, giáo dục, thương mại, logistics…

Đông Nam bộ được đánh giá đang trong thời kỳ “dân số vàng” khi có gần 11 triệu người trên 15 tuổi. Tuy nhiên, do sự phát triển không đồng đều nên có sự mất cân đối về thu hút lao động trình độ giữa các địa phương với nhau. Trong đó, lao động có trình độ tập trung đông về TPHCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Gấp rút đào tạo lao động chất lượng cao

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, sắp tới khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ cần một lượng lớn lao động kỹ thuật. Theo đó, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn phù hợp thì người lao động cần có trình độ tiếng Anh.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực này, toàn tỉnh có 6 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp đào tạo nhiều ngành nghề. Trong đó, đào tạo nhân lực chất lượng cao đang là yêu cầu cấp bách bởi thị trường lao động thiếu rất lớn đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng mềm tốt.

Tương tự, Bình Dương là tỉnh có nền công nghiệp phát triển sôi động của cả nước nói chung và vùng Đông Nam bộ nói riêng, hiện tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài với các dự án “khủng”.

Theo đó, tính đến nay có 4.000 dự án đầu tư vốn nước ngoài (FDI) đã chọn Bình Dương làm địa điểm đầu tư và sản xuất, Tuy nhiên, điều này đòi hỏi tỉnh phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Bình Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các địa phương trong vùng tiếp tục đầu tư nguồn lực, khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực.

Hiện toàn vùng có gần 60 trường đại học, hơn 300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, trên 70.000 sinh viên và 6.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt gần 87%; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đạt gần 30% (đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chỉ sau đồng bằng sông Hồng). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên của cả vùng khoảng 7%.

Theo Phó Thủ tướng, cùng với tận dụng các chính sách mới để phát triển đồng bộ và hiện đại, vùng Đông Nam bộ cần tập trung giải quyết cho được bài toán nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực, trong đó có những ngành công nghệ mới đang trở thành xu thế.

Nhiều năm nay, doanh nghiệp vẫn “khát” lao động chất lượng cao do khả năng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thể đáp ứng về trình độ, tay nghề và kỹ năng làm việc. Những hạn chế này không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng chung đến phát triển của vùng mà người lao động cũng mất đi cơ hội nâng cao thu nhập.

Mới đây, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông khai giảng và tiến hành đào tạo thêm gần 1.000 sinh viên mới theo các ngành học quan trọng như: Quản trị kinh doanh; kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; kỹ thuật cơ điện tử; kỹ thuật phần mềm; mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; điều dưỡng; kỹ thuật điện tử - viễn thông; kinh tế.

Đây là nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hà Phương

Báo Lao động Xã hội số 70