Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Phát triển “nóng”, ngành thương mại điện tử thiếu nhân lực

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thương mại điện tử (TMĐT) đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đây là một trong 3 vấn đề cần đẩy mạnh nếu muốn ngành TMĐT phát triển.

Chỉ 30% nhân lực ngành TMĐT được đào tạo chính quy

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.

thuong mai dien tu (1).jpg
Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á. (Ảnh minh hoạ)

Dù ngành TMĐT đang tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp song nhân lực cho ngành này lại chưa được quan tâm đào tạo đúng mức.

Theo khảo sát của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), chỉ 30% nhân lực tại công ty cung cấp giải pháp TMĐT hiện nay được đào tạo chính quy về TMĐT; 70% còn lại được tuyển dụng từ các lĩnh vực thương mại, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và một số ngành nghề liên quan. Điều này cho thấy nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực về TMĐT là rất lớn.

Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, số lượng trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam là trên 500; trong đó, 36 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT, trên 50 trường đào tạo học phần TMĐT. Con số này còn khá hạn chế để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường đại học còn gặp nhiều trở ngại như: Giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn…

Ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, ngành TMĐT đang rất “khát” nhân lực. Các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng rất khắt khe. “Nhu cầu nguồn nhân lực cho TMĐT ở Việt Nam tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa”, ông Hưng dự báo.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Lazada cho biết, không chỉ các sàn TMĐT có nhu cầu mà ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ đang chuyển đổi số, chuyển dịch kinh doanh lên TMĐT cũng cần nhân lực chuyên ngành để triển khai. Đây là lý do nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong TMĐT liên tục tăng nhanh.

Một số chuyên gia nhìn nhận, mặc dù tốc độ đào tạo nhân lực TMĐT trong các trường đại học đã tăng nhanh (gần 30%) nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu tăng trưởng, phát triển “nóng” của ngành. Điều này đòi hỏi các trường đại học nỗ lực, nâng cao hơn nữa chất lượng, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp.

Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT

Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ đề ra 2 mục tiêu tới năm 2025 là có 50% cơ sở giáo dục đào tạo TMĐT và 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo kỹ năng ứng dụng TMĐT...

Nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cập nhật những chính sách mới về TMĐT cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet- Cục TMĐT và Kinh tế số) phối hợp với các sở, các sàn TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba triển khai hàng loạt chương trình kết nối TMĐT kết hợp đào tạo, tập huấn TMĐT tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cục TMĐT và Kinh tế số cũng đã cùng Amazon Global Selling ký thoả thuận cùng triển khai Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương. 

Nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT năm 2024 trên địa bàn; trong đó, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về TMĐT là một trong những nội dung quan trọng, được địa phương ưu tiên hàng đầu. Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn TPHCM năm 2024.

Theo Kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý Nhà nước về TMĐT, giao dịch điện tử và cung cấp nội dung thông tin trên sàn TMĐT, mạng xã hội và internet cho cá nhân, thương nhân trên địa bàn thành phố; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân trên địa bàn thành phố.

Năm 2024, TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu 2.000 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT; mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng… qua các kênh TMĐT; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Tại Bắc Giang, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tăng trưởng TMĐT của Bắc Giang bình quân đạt 17,6%; đến nay 100% sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh đã có mặt trên các sàn TMĐT và nền tảng mạng xã hội. Để có những kết quả tích cực trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản qua sàn TMĐT, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp.

Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai phối hợp với các sàn TMĐT tổ chức tập huấn cho một số hợp tác xã, nông dân trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn theo phương thức "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ năng livestream bán hàng trực tiếp, cách tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn, đóng gói, giao nhận và thanh toán…

Đáng chú ý, Bắc Giang đã lựa chọn, hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên các sàn TMĐT.

Hiện Bắc Giang có gần 115.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình được khởi tạo tài khoản và thực hiện giao dịch trên các sàn TMĐT…

Bảo Châu

Báo Lao động Xã hội số 71