Tuy nhiên, đã có những tấm gương về những phụ nữ dám đứng lên khẳng định quyền làm chủ cuộc sống của mình, thực hiện giấc mơ nghề nghiệp và thoát khỏi định kiến xã hội.
Xuất phát điểm là giáo viên dạy tiếng Anh tại Trung tâm đào tạo bay, Nguyễn Mai Tuyết Dung đã được truyền cảm hứng với nghề phi công và mau chóng lập kế hoạch theo đuổi giấc mơ.
Năm 2016, Nguyễn Mai Tuyết Dung trở thành 1 trong 2 nữ phi công 9x đầu tiên của Hàng không Việt Nam và hiện là cơ phó hãng hàng không lớn của Việt Nam - công việc mơ ước và theo quan niệm của nhiều người đó là nghề của nam giới.
Kể về hành trình hiện thực hóa giấc mơ nghề nghiệp, nữ phi công Nguyễn Mai Tuyết Dung chia sẻ, khó khăn và rào cản thực sự của công việc phi công không đến từ kiến thức, trình độ hay thể lực mà rào cản lớn nhất chính là xã hội, về những người xung quanh.
“Khi mọi người thấy tôi làm phi công, họ sẽ nói con đường học phi công của tôi dễ dàng, kiểu phụ nữ sẽ được các thầy thương mến, dễ dãi cho qua. Trong trường đào tạo phi công 100 người thì chỉ có tôi và 1 bạn nữa là nữ. Vì thế mọi ánh mắt thường dồn về hai chúng tôi.
Mình là con người, sẽ có những lúc sai lầm. Tuy cùng một sai phạm nhưng mọi người sẽ nói về cái sai của mình nhiều hơn so với cái sai của bạn nam. Đó là một trong những rào cản mà tôi nghĩ nó sẽ theo mãi trong cả quá trình công tác của mình.
Cách duy nhất vượt qua rào cản này là mình phải cố gắng hoàn thiện bản thân để ngày hôm nay là phiên bản tốt nhất và tốt hơn ngày hôm qua”, Tuyết Dung nói.
Để bản thân không bị phân tâm bởi những định kiến xã hội, theo Tuyết Dung, cách duy nhất là bỏ ngoài tai mọi lời nói tiêu cực khiến bản thân bị tổn thương. Cô đặt toàn bộ năng lượng, sức mạnh của mình vào công việc, lấy kết quả thực tế làm câu trả lời đanh thép.
Để vượt qua những áp lực, vất vả thực hiện ước mơ, nữ phi công cho rằng, phải có động lực, chỉ có động lực mới có thể vượt qua được những khó khăn. Nguồn động lực của Tuyết Dung đó là khao khát, ước mơ.
Nguyễn Mai Tuyết Dung đã thành công khi vượt qua định kiến phi công là nghề của nam giới để chinh phục bầu trời, trở thành cơ phó của hãng hàng không lớn trong nước.
“Tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ, nhưng chỉ khoảng 30% có thể trả lời được rằng mình đam mê điều gì, thích điều gì, khả năng của bạn có đáp ứng được đam mê của bạn không, còn lại 70% thậm chí không biết mình thích gì. Tôi hy vọng các bạn hãy có cho mình một mơ ước, dám mơ ước và tạo động lực cho bản thân để thực hiện ước mơ đó”, Tuyết Dung nhắn nhủ tới các bạn trẻ.
Hà Lệ Diễm, nữ đạo diễn đứng sau bộ phim tài liệu độc lập "Những đứa trẻ trong sương" đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới và lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars - hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất" chia sẻ, cô xuất thân trong gia đình dân tộc Tày ở vùng núi phía Bắc.
Từ khi 5 - 6 tuổi, cô đã phải ra khỏi nhà từ khi trời còn chưa sáng, vượt những chặng đường đèo hiểm trở để đến trường học. Khi ấy, chuyện đi học thật sự là một nỗi sợ với cô.
“Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ những ngọn núi ở nơi mình sinh ra đã là cao nhất rồi, nhưng khi lớn lên, quá trình làm phim cho tôi cơ hội được đi đến nhiều nơi. Tôi mới nhận ra còn rất nhiều những đỉnh núi khác cao và xa hơn rất nhiều đang đợi tôi ở phía trước.
Mỗi cuộc hành trình lại mở ra rất nhiều những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng nếu không quyết tâm, thì không bao giờ tôi có thể làm phim được”, Lệ Diễm chia sẻ.
Triệu Thị Nhung, dân tộc Dao, sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết: “Ở địa phương của em vẫn còn tình trạng các bạn nữ khi học xong cấp hai, cấp ba phải ở nhà làm nương rẫy hoặc lấy chồng.
Bởi bố mẹ quan niệm, phụ nữ dù học nhiều rồi cũng đi lấy chồng. Vì thế, phụ huynh thường áp đặt con mình lấy chồng sớm và nghỉ học.
Em nghĩ, thanh niên nên tích cực truyền đạt những suy nghĩ của mình để thay đổi suy nghĩ lạc hậu đó”.
Nhung cho rằng, định kiến giới, khuôn mẫu giới là một trong những rào cản cản trở sự phát triển của thanh niên dân tộc thiểu số, tác động tiêu cực đến khả năng tiếp cận giáo dục, việc làm và phát triển cá nhân.
Định kiến và khuôn mẫu giới không chỉ giới hạn thanh niên dân tộc thiểu số trong việc phát triển sự nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, tâm lý của họ. Để thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố từ giáo dục, chính sách đến văn hóa xã hội.
Vân Khánh
Báo Lao động và Xã hội số 157