“Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta nhấn mạnh quan điểm xây dựng chính sách tiền lương hài hòa lợi ích của các bên liên quan để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ lao động, thị trường lao động”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với gần 700 cử tri đại diện cho công nhân, viên chức, người lao động thành phố Hải Phòng diễn ra hôm nay 6/1.
Hội nghị tiếp xúc cử tri còn có sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành và lãnh đạo Thành phố Hải Phòng trực tiếp lắng nghe, giải đáp các vấn đề cử tri quan tâm.
Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, không làm xáo trộn thị trường lao động
Tại buổi tiếp xúc, cử tri mong Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp tục có thêm nhiều quyết sách trúng, đúng hơn nữa thúc đẩy sự phát triển của đất nước, của thành phố và nhất là bảo đảm tốt hơn đời sống của tầng lớp công nhân lao động, người có thu nhập thấp.
Các cử tri cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan hữu quan xem xét tăng ngày nghỉ dịp lễ, Tết; tăng mức lương tối thiểu vùng; sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm; xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, trốn đóng bảo hiểm xã hội...
Về các ý kiến cử tri nêu ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nhiều vấn đề đã được Quốc hội xem xét, nghiên cứu, giải quyết trong các luật, nghị quyết được ban hành vừa qua.
Hoàn toàn nhất trí với yêu cầu của cử tri về việc cần sớm có hướng dẫn, quy định chi tiết để thực thi hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây cũng là một trong những yêu cầu được Quốc hội đặt ra ngay từ khi xem xét các dự luật, dự thảo Nghị quyết.
Năm 2023, lần đầu tiên, Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về triển khai thi hành các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành để đốc thúc vấn đề tổ chức thực thi pháp luật. Tới đây, các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, một trong những sáng kiến rất quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm là tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, từ từ từng năm, không làm xáo trộn thị trường lao động.
“Sáng kiến này được nhiều nước bạn bè trên thế giới đánh giá cao, bởi có những nước sau khi tăng tuổi nghỉ hưu đã tạo ra những bất ổn rất lớn trong xã hội và phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Sửa đổi Luật Việc làm, Luật BHXH phải tính rất kỹ lưỡng
Về tăng lương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây luôn là vấn đề rất khó nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan, vì tiền lương là thu nhập của người lao động nhưng lại là chi phí của doanh nghiệp.
Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta nhấn mạnh quan điểm xây dựng chính sách tiền lương hài hòa lợi ích của các bên liên quan để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ lao động, thị trường lao động.
"Tiền lương tối thiểu là mức sàn Nhà nước đặt ra để yêu cầu doanh nghiệp không được trả cho người lao động thấp hơn mức này. Còn thực tế, doanh nghiệp thoả thuận với người lao động và đa phần là trả lương thực tế cao hơn tiền lương tối thiểu. Từ 1/7 năm nay, chính sách tiền lương sẽ được cải cách đồng bộ trong cả khu vực công và khu vực tư, hướng tới tiền lương khu vực công tiệm cận với tiền lương khu vực sản xuất", ông Vương Đình Huệ nói.
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong điều kiện quan hệ lao động rất phong phú và đa dạng như hiện nay thì việc sửa đổi Luật Việc làm tới đây và Luật Bảo hiểm xã hội đang được sửa đổi sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng; khẳng định, Quốc hội sẽ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến cử tri, trong đó có nhiều ý kiến rất xác đáng đã được cử tri công chức, viên chức, người lao động thành phố Hải Phòng đưa ra.
Được sự phân công của Chủ tịch Quốc hội giải đáp các quan tâm của cử tri, liên quan đến mức lương tối thiểu vùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Quốc hội đã “chốt” 1/7 này cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Ba đối tượng gồm khu vực DNNN, khu vực hưu trí, người có công và các đối tượng chính sách xã hội liên quan.
Về khu vực doanh nghiệp, theo ông Dung, để cải cách tiền lương đồng bộ với cải cách tiền lương khu vực công sẽ có 5 giải pháp thực hiện cải cách tiền lương đồng bộ từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp nữa, nhưng Nhà nước có trách nhiệm đưa “bàn tay” của mình để đảm bảo mức lương tối thiểu làm căn cứ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động thương thảo, không thấp hơn mức lương tối thiểu này.
Ông Đào Ngọc Dung cũng cho biết thêm, sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng khoảng 6 % trong năm 2024, và việc này đã được thống nhất 3 bên giữa Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐVN, và VCCI.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đã trao 200 suất quà tặng các đoàn viên Công đoàn, người lao động có thành tích xuất sắc và đoàn viên Công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hải Phòng.
Thành Công