Với lợi thế lớn trong phát triển nông nghiệp, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới. Với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 26,58 tỷ USD (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng lợi thế phát triển, số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8%, với hình thức chủ yếu là ở dạng hộ sản xuất. Quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 96% trong tổng số các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trình độ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp, thị trường tiêu thụ không bền vững cộng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay đang có những diễn biến phức tạp kéo theo những hiện tượng như xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán… ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nền nông nghiệp.
Theo ý kiến của ông Đặng Vũ Trân - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, để các doanh nghiệp phát huy được vai trò "trụ cột" trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, một trong những giải pháp then chốt đó chính là "Tạo quỹ đất quy mô lớn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp". Ông cho rằng: "rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng điều khó khăn nhất chính là "Quỹ đất sạch". Việc tìm quỹ đất đầu tư cho đúng với quy hoạch phát triển của địa phương và phù hợp với mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp đã khó nhưng việc có quỹ đất sạch cho doanh nghiệp đầu tư còn khó khăn gấp nhiều lần".
Thực tế cho thấy, điều kiện để khai thác các dự án nông nghiệp công nghệ cao cần phải có quỹ đất rất lớn, có vị trí thuận lợi, tuy nhiên, đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay lại bị phân tán thành nhiều thửa với diện tích nhỏ, bên cạnh đó là thủ tục thuê, chuyển nhượng đất nông nghiệp còn nhiều vấn đề bất cập. Đây chính là những nguyên nhân lớn khiến các doanh nghiệp hiện nay đang còn "phân vân" chưa muốn đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng theo ông Đặng Vũ Trân, Nhà nước cần có cơ chế giao cho các địa phương quy hoạch các khu, vùng nông nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, tạo quỹ đất sạch trước khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thay vì cứ kêu gọi đầu tư rồi sau này giao cho doanh nghiệp tự lo giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra, ông còn đề xuất một số giải pháp khác như: hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai tạo điều kiện cho việc tích tụ, tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn; ban hành một số cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn vào nông nghiệp
Rõ ràng, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay, khi mà cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ và có những tác động sâu rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, nếu như những giải pháp cơ bản trên được thực hiện tốt thì chắc chắn nông nghiệp Việt nam sẽ đạt được mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030 mà Nghị Quyết số 53/2019/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ đề ra.