Thiếu hụt nguồn lao động qua đào tạo
Theo số liệu Báo cáo của Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, trên địa bàn TP hiện nay có 544 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 52 trường Cao đẳng, 64 trường Trung cấp, 82 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nay số doanh nghiệp thực tế hoạt động trên địa bàn TP là 203.674 doanh nghiệp, tăng 18,65% so với năm 2016. Trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 198.587 doanh nghiệp (tăng 18,81%); doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 4.735 doanh nghiệp (tăng 13,79%); riêng doanh nghiệp nhà nước có 352 doanh nghiệp (tăng 0,57%) do cổ phần hóa.
Xét theo quy mô lao động có trong doanh nghiệp thì số doanh nghiệp vừa và nhỏ có 28.465 doanh nghiệp và số doanh nghiệp lớn có 4.517 doanh nghiệp. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 83%, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,50%, cao đẳng chiếm 17,21%, trung cấp chiếm 21,58%, sơ cấp chiếm 24,71%.
Theo TS. Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, số lượng CSGDNN và số lượng các doanh nghiệp hiện nay tại TP.HCM là 544/203.674. Như vậy, một trường sẽ có cơ hội hợp tác với nhiều doanh nghiệp, các nghề nghiệp đào tạo đều có nơi để giáo viên và sinh viên, học sinh thực tập.
Nhu cầu nhân lực hiện nay của 4 ngành công nghiệp trọng yếu hàng năm là 65.100 – 69.300 người; nhu cầu nhân lực 9 ngành kinh tế - dịch vụ hàng năm 170.500 – 181.500 người và quy mô tuyển sinh hàng năm đào tạo trình độ cao đẳng 46.782 người, trình độ trung cấp 29.091 người, cả 2 trình độ khoảng 75.873 người. Như vậy, so với nhu cầu nhân lực hàng năm thì đào tạo vẫn chưa cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường lao động.
Cần liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp
Theo TS. Đỗ Thanh Vân, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực hiện đang là thách thức lớn. Thực trạng này đặt ra cho công tác GDNN nhiều đòi hỏi cấp thiết, nhất là những giải pháp căn bản với tầm nhìn xa, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cao của thị trường lao động phong phú, đa dạng. Do đó, để đáp ứng chất lượng của nguồn lao động theo nhu cầu của thị trường lao động hiện nay đòi hỏi về phía các CSGDNN với vai trò là bên "cung" nguồn lao động và về phía doanh nghiệp với tư cách là bên "cầu" nguồn lao động cần phải có sự phối hợp chặt để.
TS. Đỗ Thanh Vân cho biết, trong những năm qua, hầu hết các trường trung cấp và cao đẳng đều có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp. Cụ thể như các doanh nghiệp đã cử người tham gia trong hội đồng xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình của các trường, tiếp nhận giáo viên, sinh viên, học đến thực tập tại doanh nghiệp, liên kết thực hiện chương trình đào tạo, đạt hàng các trường đào tạo, bồi dưỡng người lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, tuyển dụng lao động đã qua đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Tuy nhiên, TS. Đỗ Thanh Vân đánh giá, hiện cũng chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị cho các CSGDNN để đào tạo nghề cho lực lượng lao động. Những thiết bị được hỗ trợ thông thường là những thiết bị có công nghệ cũ, lạc hậu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chỉ thực hiện việc cấp học bổng cho học sinh học nghề trong thời gian ngắn, số lượng ít và với điều kiện sau khi tốt nghiệp học sinh đó phải về làm việc cho doanh nghiệp trong một thời gian theo quy định.
"Một trong những nguyên nhân chủ yếu đã gây nên tình trạng nêu trên là do nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề, mối quan hệ giữa CSGDNN và doanh nghiệp còn lỏng lẻo và tự phát, chưa có mô hình và giải pháp tổ chức quản lý sự gắn kết giữa CSGDNN với doanh nghiệp phù hợp. Đồng thời chưa được cơ quan nhà nước quản lý, kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ. Do đó, hiệu quả của hoạt động liên kết không cao, thiếu tính bền vững và chưa được áp dụng rộng rãi", TS. Đỗ Thanh Vân chia sẻ.
Nhằm phát triển mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, TS. Đỗ Thanh Vân đề xuất phía CSGDNN cần phải có kế hoạch chiến lược phát triển hoạt động phối hợp của đơn vị mình. Từ kế hoạch chiến lược dài hạn của CSGDNN, các doanh nghiệp là đối tác của nhà trường sẽ làm căn cứ để triển khai các hoạt động hợp tác như mong đợi của CSGDNN. Đồng thời, doanh nghiệp cần cử các cán bộ, chuyên gia tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, kế hoạch tuyển dụng và đặt hàng cho nhà trường đào tạo hoặc liên kết đào tạo lực lượng lao động theo yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.