Để triển khai tốt chính sách BHTN, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn liên quan của Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh để xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và chi trả trợ cấp thất nghiệp đảm bảo đúng, kịp thời cho người lao động.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 điểm tiếp nhận hồ sơ BHTN được phân bổ đều ở các địa phương với khoảng cách đều dưới 60km. Đây là khoảng cách phù hợp với yêu cầu và giúp người lao động không phải di chuyển quá xa.
Tại 4 thành phố của tỉnh gồm: Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả hiện đều có sàn giao dịch việc làm định kỳ. Ngoài ra, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương. Đây là cách làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nói chung và lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng có thể dễ dàng tham gia tìm kiếm việc làm và học nghề.
Hằng năm Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh tổ chức trên 60 phiên GDVL định kỳ, lưu động, online; tiếp nhận giải quyết chính sách BHTN khoảng 8.000 hồ sơ; đào tạo - dạy nghề cho trên 1.000 học viên; tư vấn cho trên 12.000 lượt lao động; giới thiệu việc làm 7.000 lượt lao động; chủ trì phối hợp với 14 địa phương tổ chức điều tra cung - cầu lao động hằng năm.
Từ tháng 7/2018 đến nay đã thực hiện quy trình 671, kết quả đạt được trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề là rất đáng khích lệ… một trong những điểm nhấn là sau khi có công văn 62 của Bộ, Trung tâm đã tham mưu cho Sở trình UBND rà soát thủ tục hành chính của Sở, theo đó 3 thủ tục về BHTN tại trung tâm Hành chính công đã được chuyển về thực hiện tại trụ sở của Trung tâm.
Để chính sách BHTN ngày càng đi vào cuộc sống, công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHTN tiếp tục được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hết sức chú trọng. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ đi cơ sở, về tận địa bàn các huyện, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các trường học, trường nghề hướng dẫn, trao đổi, tổ chức tọa đàm về chính sách BHTN.
Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền về BHTN cũng được lồng ghép trong các chương trình tập tuấn của Sở LĐ-TB&XH cho các đơn vị, doanh nghiệp cũng như thông qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến và đối thoại pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN giữa Sở LĐ-TB&XH với LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh...
Đối với việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ BHTN tại các trung tâm hành chính công, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên quan triệt, chỉ đạo cán bộ, viên chức phụ trách tiếp nhận, xử lý đảm bảo 100% các thủ tục hành chính về BHTN thực hiện trên phần mềm chính quyền điện tử không bị quá hạn, báo đỏ trên hệ thống.
Để chính sách BHTN phát huy tốt chức năng chủ động là ngăn ngừa, hạn chế tình trạng thất nghiệp của người lao động cũng như vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động, tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chính sách BHTN, lãnh đạo Trung tâm Việc làm tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung điều 47 Luật Việc làm theo hướng mở, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động được tiếp cận nguồn lực tài chính từ quỹ BHTN để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; đồng thời sớm sửa đổi Quyết định 77 của Chính phủ theo hướng tăng thời gian và kinh phí hỗ trợ học nghề cho người lao động; đổi mới mô hình tổ chức thực hiện BHTN theo đó Trung tâm DVVL thực hiện tiếp nhận, giải quyết hưởng BHTN, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm thì trực tiếp chi trả trợ cấp thất nghiệp để người lao động không phải đi lại nhiều nơi. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách BHTN, kết nối với BHXH để thuận lợi cho việc quản lý chính xác và thực hiện được nhanh chóng, thuận tiện