Dịp lễ 2/9 này là thời điểm thích hợp về Đà Nẵng ngắm pháo hoa và ánh sáng tuyệt đẹp cũng như màn phun lửa ngoạn mục của cầu Rồng.
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn, nối sân bay Đà Nẵng với bãi biển tuyệt đẹp và cũng là một cây cầu mang tính biểu tượng cho du lịch Đà Nẵng. Hãng CNN đã mô tả Cầu Rồng như là "một biểu tượng cho thịnh vượng của châu Á".
Cầu Rồng có kiến trúc độc đáo mô phỏng hình con rồng thời Lý mạnh mẽ vươn ra biển, trở thành điểm nhấn quan trọng, là biểu tượng kiến trúc của thành phố.
Buổi tối, cây cầu mang vẻ đẹp vô cùng huyền ảo với hàng nghìn bóng đèn LED. Công trình thiết kế chiếu sáng Cầu Rồng do kiến trúc sư do kiến trúc sư Trần Văn Thành, công ty ASA Lighting Design Studios thiết kế, đã từng đạt giải thưởng danh giá về kiến trúc do Mỹ trao tặng.
KTS Trần Văn Thành cho biết, sau Cầu Rồng đã có nhiều cây cầu khác có quy mô lớn được xây mới, chỉnh trang với các ý tưởng táo bạo như ở Hà Nội, Huế hay kể cả ở Đà Nẵng, nhưng nếu xét về tính biểu tượng hay khía cạnh thiết kế, thì Cầu Rồng vẫn được biết đến nhiều nhất và đoạt rất nhiều giải thưởng mang tính chuyên môn cao.
Với Cầu Rồng, mọi thứ đều hoàn quyện hoàn hảo với nhau, từ chiến lược, sự đầu tư của các nhà lãnh đạo, tới ý tưởng, thực thi, tới địa điểm đặt công trình. Nếu giả sử đưa Cầu Rồng sang một địa phương khác thì không chắc đã phù hợp như thế.
Hình ảnh thường được chia sẻ và ghi dấu ấn mạnh với người thưởng lãm chính là Cầu Rồng được chụp vào ban đêm. Cũng giống như công trình Gardens by the Bay tại Singapore gây ấn tượng mạnh chính là buổi đêm, khi công trình được chiếu sáng bằng âm nhạc, chứ không phải hình ảnh ban ngày.
Theo KTS Thành, hình ảnh Rồng Vàng rực rỡ bay trên sông Hàn, hướng ra biển Đông. Ngoài màu vàng chủ đạo, cầu còn được thay đổi thêm màu bạc, xanh lá, xanh lam và vàng dương – những màu sắc quen thuộc của con rồng dân gian Việt Nam.
Sự chuyển động của rồng được minh họa bằng hiệu ứng sao trên dây văng, cùng hình ảnh mây lam dưới dạ cầu phản chiếu trên mặt nước. Cả sao và mây được lập trình chuyển động nhẹ như có gió thổi, tạo nên khung cảnh rồng xuất hiện trên nền mây lung linh huyền ảo, và cùng tạo sự gắn kết theo như truyền thuyết rồng luôn xuất hiện cùng mây và gió.
Cầu Rồng cũng góp phần đưa Đà Nẵng lọt vào top điểm đến của thế giới. Năm nay, Đà Nẵng nằm ở vị trí thứ 15 trong danh sách 52 điểm đến do tạp chí The New York Times bình chọn, gồm những thiên đường du lịch như: Puerto Rico, Panama, Munich …Trước đó, vào năm 2015, Đà Nẵng cũng vào top 52 của The New York Times nhưng xếp ở vị trí 43/52.
Tổng thể thiết kế Cầu Rồng thành công đến mức giờ đây nó đã trở thành một biểu tượng khi nói về thành phố, giống như nói đến Paris là nhắc đến tháp Eiffel.