Thực trạng về công tác ATVSLĐ trong ngành xây dựng
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hóa, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã không xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong xây dựng. Nhìn chung, công tác ATVSLĐ trong ngành xây dựng đã được các ngành, địa phương, DN xây dựng trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Mạng lưới ATVSLĐ trong xây dựng đã được các đơn vị chú trọng thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm đảm bảo an toàn lao động.
Ông Lê Trần Thọ, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng Thanh Hóa) cho biết, trong quá trình kiểm tra, phần lớn các DN trên địa bàn đều tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tại nơi làm việc, tuyên truyền cho người lao động (NLĐ) hiểu và thực hiện tốt hơn các quy định về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, tổ chức thực tập phương án phòng tại chỗ, kiểm tra bảo dưỡng các trang thiết bị phòng chống cháy nổ, tổ chức thăm hỏi động viên người bị tai nạn lao động; bổ sung đủ phương tiện sơ cứu, cấp phát phương tiện bảo hộ cá nhân, tiến hành đo đánh giá tác động môi trường lao động, lập kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, rà soát, bổ sung, lắp đặt mới một số biển báo nguy hiểm tại nơi làm việc. Kiện toàn lại bộ máy làm công tác ATVSLĐ từ DN đến các đơn vị trực thuộc.
Nhìn chung, công tác ATVSLĐ đã có sự chuyển biến tích cực; hầu hết công trình được kiểm tra đều thực hiện lập, phê duyệt thiết kế biện pháp thi công trước khi khởi công xây dựng công trình. Các DN đã thực hiện, ban hành Nội quy, Quy chế an toàn lao động; biện pháp đảm bảo an toàn cho NLĐ, thiết bị thi công trên công trường; an toàn cho công trình lân cận. Kiểm tra máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Công tác ATVSLĐ trên các công trường xây dựng và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã được người sử dụng lao động và NLĐ chấp hành theo quy định của Pháp luật. Biện pháp đảm bảo an toàn; máy móc thiết bị đã được kiểm định, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ bản theo quy định.
Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vẫn còn nhiều DN xây dựng (chủ yếu là DN nhỏ, DN mới thành lập) chưa quan tâm, chú trọng và chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ có thể gây ra những hậu quả khôn lường, làm suy giảm sức khỏe và phát sinh bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Những yêu cầu bắt buộc theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT vẫn chưa được một số DN thường xuyên thực hiện như: Chưa bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; chưa tổ chức mạng lưới ATVSLĐ, hàng năm chưa lập kế hoạch, không tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ (tối thiểu 6 tháng phải tự kiểm tra 1 lần). Bên cạnh đó, bản thân NLĐ, đặc biệt là lao động tự do làm theo thời vụ đã không nhận thức được quyền lợi của mình là được bảo hộ lao động và được làm việc trong môi trường an toàn lao động, họ chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các công trường xây dựng, một số DN thầu chưa thực sự nghiêm các quy định về công tác đảm bảo ATVSLĐ như: Việc bố trí mặt bằng công trường xây dựng; xây dựng nội quy an toàn lao động, biển báo an toàn lao động, tổ chức huấn luyện an toàn lao động; trang bị và sử dụng phương tiện bảo hộ lao động; mua bảo hiểm tai nạn cho NLĐ và đặc biệt là việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, biện pháp phòng ngừa rủi ro, ứng phó với những nguy cơ mất an toàn trên công trình, thực hiện chưa đúng với quy định hiện hành và biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ được duyệt và hồ sơ trúng thầu.
Nỗ lực từ cơ quan chức năng
Thi công, xây dựng được đánh giá là ngành có rủi ro cao về tai nạn lao động. Thực tế, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, để lại hậu quả nặng nề cho NLĐ, để lại gánh nặng cho người thân, gia đình NLĐ. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, năm 2019, tai nạn lao động chết người giảm 5,8%, số người bị thương nặng giảm 5,5%. Tuy nhiên, xây dựng vẫn là 1 trong 5 lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người, chiếm 17,12% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết.
Trao đổi với phóng viên báo Dân Sinh - báo LĐ&XH, ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: "Điều đáng mừng là thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh không có sự cố công trình, không có vụ việc tai nạn lao động lớn xảy ra trong thi công, xây dựng. Mặc dù vậy, công tác ATVSLĐ phải luôn được tăng cường, không thể chủ quan".
Để thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ trong xây dựng, thời gian tới, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch về tăng cường đảm bảo ATVSLĐ trong thi công xây dựng công trình với những nội dung chủ yếu: Phối hợp với các cấp, ngành, đặc biệt là các tổ chức công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm ATVSLĐ. Hướng dẫn, phổ biến, triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về công tác ATVSLĐ; đôn đốc các DN xây dựng trên địa bàn tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng ngừa tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo vệ sinh lao động cho NLĐ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho NLĐ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ tại các DN, đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSLĐ trên các công trường; kiên quyết xử lý hành chính theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công tác ATVSLĐ, đặc biệt là vi phạm về hợp đồng lao động và trang cấp phòng hộ lao động.