Sản xuất, kinh doanh 7 tháng được duy trì mặc dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh,
Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 225.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 224.000 ca trong nước (99%), 77.531 người đã khỏi bệnh (34%), 4.110 ca tử vong; có 02/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).
Nguyên nhân đợt dịch thứ 4 lây lan rộng và kéo dài là do biến thể Delta với khả năng lây lan rất nhanh và mạnh, có thể lây trong không khí và phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn; chu kỳ lây nhiễm ngắn làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, lây lan rất nhanh, mạnh trong không gian kín, đặc biệt là trong nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam; một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch trở lại đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Tại các địa phương khác nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để.
Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Trong đó, chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%; thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực, đạt 6,66%; thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 68% dự toán năm; thực hiện vốn FDI tăng 3,8%; giữ vững an ninh năng lượng; bảo đảm cung cấp nước an toàn, liên tục...
Sản xuất, kinh doanh 7 tháng được duy trì mặc dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7. Trong đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm, nhất là cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội... Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng IIP tăng 7,9%... Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, nhất là quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, mua sắm, đấu thầu; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan và giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và cung ứng dịch vụ công tiếp tục chuyển biến tích cực.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, nhất là trong bối cảnh tác động bởi dịch bệnh; huy động tổng lực với sự tham gia tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành, các lực lượng xã hội cho công tác phòng, chống dịch, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19, đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine trên các mặt trận. Cùng với chống dịch, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được tổ chức tốt, tuyển sinh vào lớp 10 linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, điều chỉnh hợp lý phương án tuyển sinh cao đẳng, đại học.
Cả nước tổ chức các hoạt động tưởng nhớ, tri ân các thương binh, liệt sỹ ý nghĩa, an toàn, hiệu quả nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021) và các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa với thông diệp "san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" nhằm động viên tinh thần người dân và các lực lượng tuyến đầu có thêm niềm tin, sức mạnh để mau chóng chiến thắng dịch bệnh. Hoạt động thể dục, thể thao, công tác chuẩn bị cho các giải thi đấu lớn trong khu vực và quốc tế tiếp tục được chú trọng. Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021.
Tuy nhiên, do diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam, khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ; sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề...
Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh
Phát biểu kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các ý kiến xác đáng của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, Chương trình hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Căn cứ vào đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của mình, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tinh thần là phải làm ngay, làm nhanh, làm quyết liệt và phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đồng thời thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế độ báo cáo theo quy định.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã bám sát diễn biến tình hình; chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, quyết liệt, nỗ lực cao, cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh hiện diễn biến hết sức phức tạp; những hành động của chúng ta trong giai đoạn này mang tính quyết định đối với công tác phòng, chống và kiểm soát dịch. Vì vậy, cần tranh thủ tối đa thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để tập trung khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, xác định các F0 để có hướng xử lý phù hợp theo mô hình tháp nhiều tầng. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 86 của Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; bằng mọi biện pháp để mua vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp cụ thể, rõ ràng, khả thi, hiệu quả và thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các kế hoạch 5 năm 2021-2025; trong đó phải có chiến lược, giải pháp hiệu quả để duy trì, phục hồi, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách với người có công. Có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, "vừa sản xuất, vừa chống dịch".
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là về tình hình dịch bệnh, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, trung thực, chính xác, bám sát thực tế, định hướng, truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần tạo đồng thuận xã hội; xử lý kịp thời các thông tin xấu độc.