Vì thế, nhiều gia đình công nhân phải đau đầu chọn chỗ gửi trẻ trường tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình với chi phí đắt đỏ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn...
KỲ I: Gửi con ở trường tư thục: Vừa đắt vừa lo...
Dù thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nhiều công nhân phải chọn gửi con trường tư thục với chi phí đắt hơn rất nhiều trường công lập để phù hợp giờ đưa, đón trẻ. Tuy nhiên, đã có không ít vụ bạo hành trẻ tại các cơ sở tự phát, trái phép khiến bố mẹ vừa gửi vừa lo.
Cho con học trường tư vì tiện đưa đón
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền đang làm công nhân tại khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), thu nhập mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng nhưng tháng nào tiêu hết tháng đó. Theo nhẩm tính của chị Hiền, tiền thuê nhà, tiền điện, nước mỗi tháng 6 triệu đồng.
Hai con của chị, đứa 5 tuổi, đứa hơn 1 tuổi đều phải gửi trường mầm non tư thục với chi phí 7,5 triệu đồng/tháng, rồi tiền ăn, tiền sữa cho con, tiền xăng xe, điện thoại... không khoản nào cắt giảm được; tiền học của hai con cao hơn nhiều mức phí gửi trường mầm non công lập.
“Tính riêng tiền học của hai con đã chiếm hơn một phần ba tổng thu nhập của hai vợ chồng. Nếu gửi trường công lập, mỗi tháng chỉ hết 2,5 triệu đồng, tiết kiệm được 5 triệu đồng, nhưng vì đặc thù công việc thường đi sớm, về muộn nên không thể đưa đón đúng giờ ở trường công lập.
Thậm chí, cuối năm hoặc những dịp công ty có nhiều đơn hàng, tôi phải tăng ca nên phải gửi ngoài giờ, có hôm đến 8h tối mới về đón con...”, chị Hiền cho hay.
Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, lại thêm khoản tiền gửi con ở trường tư thục khiến nhiều công nhân như chị Hiền tháng nào cũng phải tằn tiện lắm mới đủ sống.
Tương tự, chị Hoàng Thị Hương (SN 1987) làm công nhân được 10 năm tại KCN Phú Minh (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chị Hương cho biết, con trai thứ hai của chị đang học tại một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Vợ chồng chị chi tiêu rất dè xẻn, vì còn phải gửi tiền về quê cho ông bà lo cho con trai lớn học tiểu học. Do đó, xét theo hoàn cảnh hiện tại, việc cho con học ở trường công lập là lựa chọn kinh tế hơn so với trường tư thục. Tuy nhiên, để thuận tiện việc đưa đón con nên chị chấp nhận cho con học trường tư thục dù chi phí cao.
“Gửi con trường tư thục có chi phí cao hơn trường công lập rất nhiều nhưng vì không có trường mầm non công lập gần chỗ làm. Các gia đình công nhân như chúng tôi đều mong muốn có trường học gần nơi làm việc để vừa tiện việc đưa đón con, vừa tiết kiệm chi phí hàng tháng”, chị Hương chia sẻ.
Hốt hoảng, lo lắng mỗi khi nghe tin có trẻ bị bạo hành
Chị Nguyễn Thị Dung (SN 1994), có con đầu lòng gần 3 tuổi. Vợ chồng chị Dung cùng quê Thanh Hóa, ra Hà Nội làm công nhân. Cũng như các công nhân khác, thu nhập của vợ chồng chị phải tằn tiện mới đủ chi phí cho cuộc sống.
Vì vậy, vợ chồng chị chỉ dám thuê phòng trọ đủ kê chiếc giường và bếp nấu ăn. Nếu nhờ ông bà ra trông con thì không có chỗ ngủ. Do đó, chị Dung quyết định gửi con ở một cơ sở tư nhân gần khu trọ.
Chị Dung cho biết, thuận lợi là hôm nào 2 vợ chồng tăng ca thì con vẫn có người trông, dù phải trả thêm tiền. Điều vợ chồng chị và ông bà nội, ngoại lo lắng chính là sự an toàn của bé khi đi nhóm trẻ tư nhân. Mỗi lần có vụ việc hay tin tức về trẻ gửi ở cơ sơ tư nhân bị bạo hành, cả nhà rất lo.
“Nhiều khi đang trong giờ làm, chợt nghĩ không biết trưa nay con mình được cho ăn như thế nào, có bị quát mắng vì ăn chậm hay không. Nói thật, mỗi lần trên báo chí nêu những vụ trẻ bị mầm non bị bạo hành là tim tôi thắt lại vì thương và lo.
Nếu có mô hình trường mầm non công lập đáp ứng đủ ba điều kiện cần thiết: Chi phí hợp lý, gần nơi làm việc và linh động thời gian đưa đón thì sẽ là giải pháp tối ưu nhất đối với các gia đình công nhân có con nhỏ. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực về kinh tế cho các gia đình mà còn giải quyết tình trạng quá tải ở các trường công lập”, chị Dung mong mỏi.
Chị Trần Thị Ánh Mai, một trong những công nhân nhiều năm trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: "Vợ chồng bàn nhau là em nghỉ ở nhà trông con, nhưng với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng của chồng không đủ chi phí sinh hoạt cho 3 người.
Đó là chưa kể, em nghỉ lâu lại mất việc nên đành gửi con cho một bác hơn 60 tuổi, với chi phí 3,5 triệu đồng/tháng. Nếu tháng nào có nhiều buổi đón muộn, hay gửi thêm chủ nhật thì lên đến gần 4 triệu đồng. Mọi người khen bác ấy chăm trẻ cẩn thận nhưng em vẫn rất lo...".
Chị Mai và nhiều người mẹ khác không lo sao được khi chẳng còn lựa chọn nào ngoài những nhóm trẻ tự phát với những người trông trẻ không có bằng cấp, cơ sở trông trẻ không phép.
Ở các KCN tập trung chủ yếu là lao động nhập cư, nhiều lao động trẻ có con nhỏ, làm việc theo ca kíp nên nhu cầu gửi trẻ và nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ hành chính do bố mẹ tăng ca là rất lớn.
Tuy nhiên các trường mầm non công lập chưa đáp ứng được nên công nhân lao động chủ yếu phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình hoặc nhóm trẻ độc lập. Đây là một trong những nguyên nhân có nguy cơ gây ra các vụ bạo hành, mất an toàn cho trẻ.
Phó ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thu Phương cho biết, con cái theo cha mẹ đến các KCN thường được gửi tại các nhà trẻ tư nhân, nơi điều kiện và không gian hạn chế, người trông trẻ không được đào tạo bài bản, không có kỹ năng sư phạm, ít có sự đầu tư trang thiết bị nuôi dạy trẻ, chủ nhà không có chuyên môn.
Thậm chí, nhiều cơ sở lấy phòng trọ làm nơi giữ trẻ, học phí thấp dẫn đến chất lượng bữa ăn thấp, điều kiện phục vụ chưa bảo đảm, các cháu chỉ biết ăn và ngủ, không được dạy các kỹ năng cần thiết ở độ tuổi của mình.
Khánh Vân (còn nữa)
Báo Lao động và Xã hội số 151