Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Công nhân “đỏ mắt” tìm chỗ gửi con: Số trường mầm non chưa đáp ứng nhu cầu

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Một trong những vấn đề cấp bách và quan trọng đối với công nhân là đảm bảo chăm sóc, học hành cho con cái, đặc biệt là con ở độ tuổi mầm non.

Gia đình công nhân nhập cư chủ yếu sống trong các nhà trọ, thiếu nhà trẻ gần nơi sinh sống và làm việc, thu nhập thấp… nên khó khăn trong lựa chọn trường học cho con.

Rất ít doanh nghiệp có nhà trẻ cho con công nhân

Từ tháng 5 đến 7/2023, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam thực hiện khảo sát tại: Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước, An Giang, Công đoàn Dệt may khu vực phía nam với 1.000 phiếu là lao động nữ nhập cư đang nuôi con nhỏ và lao động nữ địa phương, cán bộ công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tại 30 doanh nghiệp.

Công nhân “đỏ mắt” tìm chỗ gửi con: Số trường mầm non chưa đáp ứng nhu cầu - 1
Tổng Công ty May 10 nằm trong số ít doanh nghiệp có trường mầm non.

Kết quả khảo sát cho thấy, 95,5% lao động nữ di cư được khảo sát đã có con (1 con chiếm 33,4%; 2 con chiếm 51,2%; 3 con trở lên chiếm 15,3%). Trong đó, 18,1% gửi trẻ ở các trường mầm non tư thục; 4,1% gửi tại các nhóm trẻ gia đình trong khu dân cư sinh sống; 2,7% gửi ở nhà trẻ mà doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ cho con công nhân; 31,6% gửi trẻ ở quê nhờ người thân chăm sóc...

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả triển khai chính sách hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP, 50 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết HĐND về chi tiết mức trợ cấp đối với trẻ em là con công nhân.

Đa số tỉnh thực hiện theo mức tối thiểu quy định tại Nghị định là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Các tỉnh có mức hỗ trợ cao hơn là: Bình Định (300.000 đồng/trẻ/tháng); Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu (240.000 đồng/trẻ/tháng); Vĩnh Phúc (220.000 đồng/trẻ/tháng); Hải Phòng, Đà Nẵng (200.000 đồng/trẻ/tháng).

Cơ sở vật chất trường, lớp mầm non tiếp tục được các cấp chính quyền và địa phương quan tâm đầu tư hàng năm, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được các tỉnh, thành có đông khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non.

Song thực tế, số lượng trường mầm non, mẫu giáo, nơi chăm sóc nuôi dạy trẻ trên địa bàn các tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân có con trong độ tuổi gửi trẻ do số lượng trẻ ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, một bộ phận lớn nữ công nhân có thu nhập không cao, không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ giữ trẻ tư thục chất lượng cao.

Là một trong những doanh nghiệp có trường mầm non chăm sóc cho con em công nhân, bà Vũ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non May 10 (Tổng Công ty May 10) cho biết: Trường nằm trong khuôn viên tổng công ty nên thuận tiện cho phụ huynh đưa đón con, yên tâm công tác.

Nhà trường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, dạy trẻ 6 ngày/tuần, đón trẻ trước 7h và trả muộn sau 18h, học cả thứ bảy và học hè mà không thu thêm tiền học phí. 

Ngoài ra, các cháu là con cán bộ, công nhân May 10 được hỗ trợ 30% học phí cho 1 trẻ/tháng. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong quá trình vận hành trường mầm non đặc biệt này song Trường Mầm non May 10 còn gặp không ít khó khăn như: Việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất còn khó khăn;

Trẻ đa phần là con cán bộ, nhân viên Tổng Công ty, phụ huynh ở những tỉnh xa về phải thuê nhà, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên còn khó khăn do sự e ngại về tính ổn định khi làm việc trong môi trường tư thục…

Cần dự báo về lao động, số lượng trẻ... để có những giải pháp thiết thực

Công nhân “đỏ mắt” tìm chỗ gửi con: Số trường mầm non chưa đáp ứng nhu cầu - 2

Một số địa phương tập trung nhiều KCN như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên... đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo điều kiện học tập cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em tại các KCN. 

Là địa phương tập trung nhiều KCN, ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, nhu cầu gửi con em của công nhân vào các trường mầm non ngày càng tăng. Một trong những khó khăn mà công nhân thường gặp phải là việc gửi con nhỏ từ 6 tháng tuổi.

Hầu hết họ phải quay lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản, đồng thời nhiều gia đình từ nơi khác chuyển đến sẽ khó nhờ người thân hỗ trợ. Do đó, nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con đi nhà trẻ từ rất sớm nhưng một số cơ sở ngại nhận khi các bé còn quá nhỏ.

Hiện nay, thị xã Việt Yên không có sự phân biệt giữa trẻ em có hộ khẩu tạm trú và thường trú trong việc đăng ký học tại các trường mầm non. Đây là chính sách đảm bảo mọi trẻ em đều có quyền được học tập.

Chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho con em công nhân mà còn giúp công nhân yên tâm lao động, tập trung hoàn toàn vào công việc, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Ông Vũ Đình Lập, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương khẳng định, KCN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là nơi mang lại cơ hội việc làm cao cho người lao động.

Do đó, đông đảo lao động từ khắp tỉnh, thành đổ về làm việc, sinh sống dẫn đến nhu cầu gửi con của người lao động ngày càng lớn. Trước bối cảnh này, việc xây dựng trường mầm non tại các KCN, phục vụ con em của công nhân trở thành vấn đề cấp bách được nhiều phụ huynh quan tâm. 

Thực tế, nhiều gia đình công nhân chấp nhận gửi con ở các cơ sở mầm non tư thục với chi phí cao để tiện đưa đón vì các trường mầm non công lập xa KCN.

Tuy nhiên, việc xây dựng trường mầm non tại các KCN còn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc thiếu quỹ đất dành riêng cho giáo dục mầm non. Bởi tại các KCN, quỹ đất chủ yếu được sử dụng cho phát triển nhà máy, xí nghiệp và cơ sở hạ tầng. 

Các dự án trường mầm non phải cạnh tranh khốc liệt với các mục đích sử dụng đất khác, trong khi đó, ngân sách dành cho xây dựng và phát triển giáo dục mầm non còn hạn chế. Ngoài ra, các cơ chế chính sách liên quan đến việc đầu tư xây dựng trường mầm non tại KCN còn thiếu đồng bộ và rõ ràng.

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục nhưng chưa đủ để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, tiêu chuẩn xây dựng trường mầm non tại các KCN cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của khu vực.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giờ giấc hoạt động của trường mầm non ở KCN cần linh hoạt hơn để phù hợp với ca làm việc của phụ huynh.

GS, TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, cần có dự báo tổng thể về tình hình lao động, số lượng trẻ, nhu cầu cơ sở vật chất, giáo viên mầm non của từng địa bàn, số lượng di cư, số lượng con em công nhân cần gửi ngoài giờ… để có những giải pháp thiết thực; nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ban ngành để phối hợp thực hiện đề án hiệu quả…

Nhóm bảo mẫu gia đình cần được quan tâm để giảm áp lực cho các cơ sở công lập nhưng cần được đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại địa bàn đô thị - nơi có KCN để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, KCN  giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045”.

Trong quá trình hoàn thiện đề án, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có những khảo sát, đánh giá đúng và sâu sát hơn nữa, trong bối cảnh, các KCN, khu chế xuất, khu đô thị thay đổi từng ngày, làm sao để những người có thu nhập thấp được tiếp cận với những chính sách, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thiết thực.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 152