Kết quả có được do bảo đảm quyền tự chủ cho DN trong việc quyết định thang, bảng lương.
Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp báo cáo của 1.166 doanh nghiệp, gồm: 84 công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91/TTg; 582 công ty thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91/TTg; 500 công ty thuộc UBND cấp tỉnh, với tổng số lao động năm 2023 khoảng 844.500 người.
Kết quả cho thấy về tiền lương của NLĐ năm 2021, tiền lương bình quân chung đạt 16,5 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đạt 18,5 triệu đồng/tháng. Năm 2022, tiền lương bình quân chung đạt 17,8 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đạt 20,2 triệu đồng/tháng.
Năm 2023, tiền lương bình quân chung đạt 18,5 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân đạt 20,3 triệu đồng/tháng. Riêng 84 công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91/TTg với khoảng 316.900 lao động, tiền lương bình quân năm 2021, 2022, 2023 đạt lần lượt 20,67 - 22,96 - 24,5 triệu đồng/tháng.
Ở DN 100% vốn nhà nước, năm 2021, tiền lương bình quân đạt 16,83 triệu đồng/tháng, thu nhập đạt 18,58 triệu đồng/tháng; năm 2022, tiền lương bình quân đạt 17,89 triệu đồng/tháng, thu nhập đạt 19,79 triệu đồng/tháng; con số này ở năm 2023 lần lượt là 18 và 19,44 triệu đồng/tháng.
Đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối, năm 2021, tiền lương bình quân đạt 16,22 triệu đồng/tháng, thu nhập đạt 18,49 triệu đồng/tháng; năm 2022 lần lượt đạt 17,75 và 20,68 triệu đồng/tháng; năm 2023 đạt lần lượt là 19,13 và 21,39 triệu đồng/tháng.
Về tiền lương của người quản lý, kiểm soát viên, năm 2021, tiền lương bình quân chung đạt 37,92 triệu đồng/tháng, thu nhập đạt 41,46 triệu đồng/tháng. Năm 2022, tiền lương này đạt 39,26 triệu đồng/tháng, thu nhập đạt 43,02 triệu đồng/tháng.
Năm 2023, mức này lần lượt là 41,68 và 45,15 triệu đồng/tháng. Riêng 84 công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91/TTg, tiền lương bình quân năm 2021, 2022, 2023 lần lượt đạt 60,45 - 65,4 - 63,93 triệu đồng/tháng.
Mức tiền lương và thu nhập của người quản lý, Kiểm soát viên cũng có sự chênh lệch giữa các loại hình DN. Trong đó, đối với DN 100% vốn nhà nước, năm 2021, tiền lương bình quân đạt 31,17 triệu đồng/tháng, thu nhập đạt 34,11 triệu đồng/tháng.
Mức này ở năm 2022 lần lượt là 31,95 và 35,09 triệu đồng; năm 2023 lần lượt đạt 34,31 và 37,35 triệu đồng.
Đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối (người quản lý là người đại diện phần vốn Nhà nước), năm 2021 có tiền lương bình quân đạt 44,35 triệu đồng/tháng, thu nhập đạt 48,47 triệu đồng/tháng; năm 2022 lần lượt đạt 46,21 và 50,57 triệu đồng/tháng; con số này của năm 2023 đạt lần lượt 48,72 và 52,6 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, cơ chế quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng hiện hành đối với DN nhà nước được điều chỉnh phù hợp với từng mô hình chuyển đổi DN Nhà nước, góp phần thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty, DN tích cực sắp xếp lại tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhà nước bảo đảm quyền tự chủ cho DN trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động; quyết định thang, bảng lương, xếp lương, nâng lương, quỹ tiền lương theo nguyên tắc năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng thì tiền lương tăng và ngược lại; từ đó, tạo thuận lợi cho DN thiết lập thang giá trị lao động.
Tiền lương ổn định và tăng theo hiệu quả kinh doanh của DN, cải thiện 8 - 10%/năm. Đồng thời, việc trả lương đối với người lao động thực hiện theo kết quả, hiệu quả công việc, không hạn chế mức lương tối đa đối với lao động chuyên môn, kỹ thuật cao, các tài năng có nhiều cống hiến cho DN.
Điều này tạo thuận lợi cho DN sắp xếp tổ chức lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ rõ, cơ chế quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng hiện hành đối với DN nhà nước đang phát sinh một số bất cập. Đơn cử, cơ chế tiền lương đang có sự phân biệt giữa DN 100% vốn nhà nước và DN có cổ phần chi phối của Nhà nước.
Trong khi, Luật DN hiện hành quy định DN nhà nước gồm DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương quy định nguyên tắc chung gắn tiền lương với năng suất lao động và hiệu quả nhưng chưa có sự phân biệt rõ theo quy mô năng suất và hiệu quả giữa các DN.
Điều này dẫn đến có chênh lệch khá lớn về tiền lương, nhất là tiền lương của người quản lý giữa các DN ở 2 loại hình DN 100% vốn Nhà nước và DN cổ phần chi phối, giữa ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ, ngành sản xuất và công nghiệp, tiền lương bình quân của người quản lý khoảng 40 - 50 triệu đồng/tháng, trong khi ở các ngành viễn thông khoảng 60 - 90 triệu đồng/tháng; ngành ngân hàng tài chính khoảng 100 - 120 triệu đồng/tháng, có DN hiệu quả cao lên đến 200 triệu đồng/tháng.
Mặt khác, tiền lương của người quản lý mặc dù đã được điều chỉnh nhưng vẫn còn thấp so với các chức danh quản lý tương đương trên thị trường nên chưa tạo được động lực cho người quản lý giỏi…
Từ thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong DN nhà nước là rất cần thiết để khắc phục những bất cập;
Đồng thời góp phần triển khai thực hiện đầy đủ nội dung cải cách tiền lương đối với DN nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7.
Huyền Minh
Báo Lao động và Xã hội số 150