Với tinh thần hợp tác, xây dựng, hai bên đã đánh giá và nhìn nhận về hai năm qua triển khai thực hiện MOU được ký kết giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục Australia về giáo dục nghề nghiệp. Nhìn chung, với sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Úc, các hoạt động triển khai MOU đã được triển khai tích cực, có chiều sâu và đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Kết quả đạt được trước hết cần nói đến là triển khai thành công đào tạo thí điểm 12 nghề chuyển giao từ Úc, qua chương trình đào tạo các nghề chuyển giao, gần 300 nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Tuần lễ kỹ năng nghề Úc đã được tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước thu hút hàng ngàn người tham dự và mang lại tiếng vang lớn, tổ chức 6 Hội thảo tư vấn chuyên sâu phát triển chính sách giáo dục nghề nghiệp với trên 500 đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, bước đầu đưa mô hình Hội đầu kỹ năng nghề đối với lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn để triển khai thí điểm tại Việt Nam,...
Tiếp nối những kết quả đó, tại buổi làm việc, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đề xuất một số nội dung triển khai thực hiện trong năm 2020 như: Phát triển kỹ năng nghề trong tương lai (future Skill) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều công nghệ và ngành nghề mới xuất hiện. Nghiên cứu xây dựng các danh mục ngành nghề, danh mục kỹ năng trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu các công nghệ thuộc danh mục các công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0. Các hoạt động của Tuần lễ kỹ năng nghề Úc cần được tổ chức với nhiều hoạt động găn với phát triển kỹ năng và định hướng nghề nghiệp. Riêng đối với Hội đồng kỹ năng nghề lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn cần triển khai tích cực để sớm đưa vào thí điểm mô hình. Đội ngũ nhà giáo nói chung và nhà giáo được bồi dưỡng đào tạo qua chương trình chuyển giao từ Úc nói riêng cần tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ theo cơ chế học bổng của Chính phủ Úc. Tăng cường các hoạt động giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữa hai quốc gia. Khung đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Úc, hệ thống dữ liệu quốc gia về kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, đề nghị phía Úc nghiên cứu cơ chế công nhận văn bằng, trình độ giáo dục nghề nghiệp giữa hai quốc gia theo các lĩnh vực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để lao động Việt Nam hội nhập quốc tế; triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi văn hóa, ngôn ngữ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá cao sự hợp tác hỗ trợ của Chính phủ Úc trong thời gian qua đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Úc là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về giáo dục nghề nghiệp với đội ngũ chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp uy tín, hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, có nhiều nét tương đồng với hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Những kết quả của sự hợp tác thời gian qua cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia về giáo dục nghề nghiệp càng đi vào chiều sâu. Năm 2020 là năm kết thúc hoàn thành các mục tiêu của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều thuận lợi lẫn thách thức trong bối cảnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục sự nghiệp đổi và nâng cao chất lượng, hội nhập khu vực và thế giới. Hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu hiệu quả trong thời gian tới.