Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Ám ảnh bạo lực học đường

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Bạo lực học đường là câu chuyện không mới nhưng tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều. Không ít học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn cảm xúc và thậm chí có hành vi hủy hoại bản thân vì bạo lực học đường.

Sau gần 3 năm bị nhóm bạn học cùng lớp bắt nạt bằng lời nói, thậm chí đánh đập, nữ sinh lớp 8 (SN 2010, tại huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk) rơi vào trạng thái tinh thần không ổn định, muốn giải thoát bằng cách tự hủy hoại bản thân, rạch tay, tự tử…

tu van.jpg
Tư vấn tâm lý học đường giúp phát hiện, ngăn chặn và phòng tránh bạo lực học đường.

Nữ sinh chia sẻ, ngay từ khi bước vào lớp 6, em bị một nhóm khoảng 10 bạn cùng lớp bắt nạt. Nguyên nhân do em hiền, học lực khá… khiến một số bạn không thích và đã có nhiều hành vi gây bạo lực.

“Một lần, các bạn đánh đập, tát vào mặt, bụng khiến em rất đau. 2 năm gần đây, các bạn sử dụng ngôn từ, lời nói để gây tổn thương. Em từng xin mẹ chuyển lớp nhưng không được”, nữ sinh chia sẻ. Gần đây, nhà trường thông báo cháu tự rạch tay nên gia đình đưa cháu đến Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk và được yêu cầu nhập viện. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng khoa Khám - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho biết, bị bắt nạt kéo dài khiến bệnh nhân luôn lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt.

Trường hợp này đang ở giai đoạn trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Các bác sĩ vừa điều trị thuốc để giảm lo âu, chống trầm cảm vừa thực hiện các biện pháp tâm lý và điều trị bệnh lâu dài, tránh tái phát.

Trung bình mỗi tháng, Khoa Khám - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận 4 đến 5 trường hợp trầm cảm lứa tuổi học sinh liên quan bạo lực học đường.

“Đây là con số khá nhiều, trong đó, một số trường hợp gia đình giấu bệnh hoặc học sinh không dám nói do lo sợ các bạn tấn công chỉ khi tới đỉnh điểm có hành vi tự sát thì gia đình mới phát hiện”, bác sĩ Bé thông tin.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Huân cho rằng, bạo lực học đường luôn là một "ngọn lửa âm ỉ cháy" trong các trường học và vẫn chưa có "biện pháp chữa cháy" hiệu quả.

“Xã hội cần quan tâm nhiều hơn về giáo dục cộng đồng, nhất là các tác động trực tuyến mang tính chất giáo dục hay phi giáo dục. Chúng ta đã làm gì với những cái tát tai vô tội vạ của những clip hài hước thiếu nhân văn?

Chúng ta làm gì với các hành vi kệch cỡm và phóng đại thiếu cân nhắc của các hình ảnh giả trang bởi các nhân vật mang mác diễn viên hay những người nuôi dưỡng hình ảnh quá vô tư...?”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Huân nhấn mạnh.

Để giải bài toán phòng, chống bạo lực học đường, theo ông Nguyễn Thanh Huân, điều đầu tiên và quan trọng nhất tiếp tục nâng cao nhận thức về bạo lực học đường, cách nhận biết và ứng phó, tư vấn tâm lý… cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trường học, phụ huynh, người làm công tác tư vấn tâm lý học đường...

Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cũng như trường đại học có đào tạo ngành tâm lý học, tâm lý học giáo dục, công tác xã hội... tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng để thiết lập mạng lưới hỗ trợ trẻ em, vị thành niên có nguy cơ bị bạo lực học đường cũng như triển khai các nghiên cứu trọng điểm về mô hình phòng ngừa bạo lực học đường. 

Việc cấp bách cần làm tốt 3 công tác tư vấn tâm lý học đường: Sàng lọc những học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, phòng ngừa bằng giáo dục kỹ năng và chăm sóc sức khỏe tâm thần liên quan đến bạo lực học đường, can thiệp tâm lý chuyên sâu dành cho nhóm đối tượng bị tổn thương tâm lý do bị bạo lực học đường để hỗ trợ các em một cách tốt nhất.

“Khi và chỉ khi công tác tư vấn tâm lý học đường được quan tâm và đẩy mạnh cũng như được nhìn nhận như một điều kiện cần để phòng ngừa bạo lực học đường thì mới có thể đẩy lùi vấn nạn này; đồng thời, phải tổng hòa sức mạnh của việc tổ chức hoạt động giáo dục, dạy học trong trường và giáo dục gia đình, cộng đồng”.

Đức Thọ

Báo Lao động Xã hội số 70