Trước thềm năm học mới 2024-2025, trong vô vàn nỗi niềm khi đưa trẻ đến trường, các bậc phụ huynh còn thường trực thêm nỗi lo về chất lượng bữa ăn bán trú.
Cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu

Ngộ độc thực phẩm, bữa ăn thiếu dinh dưỡng, thực đơn không khoa học… là câu chuyện chưa bao giờ cũ khi bàn về bữa ăn bán trú của học sinh. Năm học vừa qua, toàn quốc đã xảy một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học khiến nhiều học sinh phải nhập viện điều trị. Qua những vụ này, có thể thấy việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường ở một số nơi vẫn đang bị xem nhẹ.
Khẳng định vai trò quan trọng của bữa ăn học đường trong đảm bảo phát triển của trẻ khi đang ở “tuổi ăn tuổi lớn”, TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, bữa ăn học đường rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện và dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Hằng năm, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra do nhiều khâu trong chuỗi cung ứng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
An toàn là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì nó là sinh mạng, là sự sống của học sinh. Bữa ăn ở trường học phải đặt các tiêu chí theo thứ tự: an toàn thực phẩm - dinh dưỡng - ngon miệng.
Bởi bữa ăn học đường là bữa ăn tập thể, để bảo vệ học sinh thì vấn đề an toàn thực phẩm phải đặt lên vị trí ưu tiên cao nhất. Tiếp theo là bữa ăn dinh dưỡng phù hợp với trẻ em, vì các em đang ở lứa tuổi phát triển. Và sau cùng là tiêu chí ngon miệng.
Bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các trường học, rất cần có sự quan tâm, trách nhiệm hơn nữa của ban giám hiệu các trường học, thầy cô giáo, nhân viên, cha mẹ học sinh, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Để bữa ăn bán trú của học sinh được đảm bảo chất và lượng, TS. BS Trương Hồng Sơn cho rằng: “Công tác giám sát bữa ăn bán trú luôn cần sự phối hợp của Ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh và nhân viên y tế nhà trường”.
Đối với cha mẹ học sinh, cần phối hợp chặt chẽ với thầy cô, với bộ phận tiếp phẩm, làm bếp của trường để bảo đảm các em học sinh được ăn, uống an toàn và đủ dưỡng chất. Các trường cần tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn.
Nhà trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.
Phụ huynh có thể không có chuyên môn hay công cụ để kiểm tra, nhưng có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng…
Việc kiểm tra dụng cụ trong chế biến thức ăn; bát, đĩa, khay chia suất ăn cho học sinh có bảo đảm vệ sinh hay không cũng rất quan trọng.
Đối với các trường học có tổ chức ăn bán trú phải nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Các trường học chỉ lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm có uy tín, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần thực hiện nghiêm túc hợp đồng, có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm.
Đảm bảo an toàn, chất lượng bữa ăn bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm

Thời gian qua, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh THCS, chất lượng bữa ăn tại các trường học đã có những cải thiện.
Tuy nhiên trên thực tế, an toàn bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh khi không ít trường hợp học sinh bị ngộ độc hay suất ăn lèo tèo, không đảm bảo chất lượng.
Để hoạt động tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo chất lượng và an toàn, trước thềm năm học mới 2024-2025, các địa phương, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM - nơi có số lượng học sinh ăn bán trú đông đã có những chỉ đạo, hành động cụ thể, thiết thực.
TP Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu học sinh ăn bán trú mỗi ngày. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025, thành phố có 2.875 trường học. Phần lớn trường mầm non (hơn 1.160 trường) và tiểu học (774 trường) tổ chức ăn bán trú. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn bữa ăn học đường được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học, cũng như bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, an toàn thực phẩm trong trường học là rất quan trọng.
Do đó, trước hết, các em phải được ăn sạch. Hai yếu tố tiếp theo là ăn đủ số lượng và chất lượng. Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu, tất cả địa phương, cơ quan chức năng lưu tâm đặc biệt tới vấn đề này “bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm để chăm lo cho trẻ”.
TPHCM hiện có hơn 2.400 đơn vị trường học (chưa tính nhóm trẻ độc lập tư thục) và số lượng trẻ tham gia ăn bán trú là rất lớn, do đó, các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học được TP rất quan tâm.
Mới đây, Sở GD&ĐT TP HCM phối hợp với Sở An toàn thực phẩm tổ chức 5 lớp tập huấn đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong trường học cho hơn 2.700 cán bộ quản lý của phòng GD&ĐT, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên với các nội dung: quy định hiện hành về công tác an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn vận hành hệ thống tự kiểm tra.
Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, các đơn vị chức năng cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có chế tài đủ mạnh để xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Hồng Trần
Ấn phẩm Vì trẻ em số 16