Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

"Ảo tung chảo" ngôn ngữ chat, tự chế và trào lưu tiếng lóng mạng xã hội

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Trên mạng xã hội, không ít bạn trẻ sử dụng ngôn ngữ “chat” với tiếng lóng, từ vay mượn từ tiếng nước ngoài, thậm chí “sáng tạo” nên những cụm từ làm cho ngôn ngữ bị biến tướng, gây phản cảm.

Lệch chuẩn ngôn ngữ “tự chế” trên mạng ở giới trẻ

Khi vô tình đọc được những dòng chia sẻ, trò chuyện của con gái 15 tuổi với bạn bè trên mạng, chị Minh Hương (Hà Nội) sửng sốt, hoang mang, không hiểu con mình đang nói gì.

Hàng tá “thuật ngữ” được bọn trẻ sử dụng để nói chuyện mà phụ huynh có vò đầu bứt tai, nghiên cứu cả buổi cũng không thể hiểu nổi. Không chỉ chị Hương mà rất nhiều bậc cha mẹ, thầy cô giáo hiện nay cũng không thể hiểu được ngôn ngữ mạng mà giới trẻ đang sử dụng.

"Ảo tung chảo" ngôn ngữ chat, tự chế và trào lưu tiếng lóng mạng xã hội - 1
Khuyến khích các em tìm đọc các tác phẩm văn học phù hợp, giúp trẻ tiếp nhận được cái hay, cái đẹp trong tiếng nói của cha ông.

Ngôn ngữ mạng là khái niệm thường được sử dụng để chỉ cách nói, cách viết được sử dụng trên môi trường mạng, chủ yếu là các mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, TikTok, Instagram… đến nhiều kênh giao tiếp khác như Zalo, Viber, WhatsApp và thường được thể hiện qua livestream (phát trực tuyến), comment (bình luận), chat (trò chuyện trực tuyến, liên lạc tin nhắn văn bản).

Với lớp trẻ, khả năng tiếp cận các nền tảng số nhanh và cũng rất “nhiệt tình” bắt chước các trào lưu ngôn ngữ trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh hoang mang không hiểu rõ con trẻ đang nói với nhau điều gì. Điển hình như một số từ: gato (ghen ăn tức ở), ảo tung chảo (lối sống phi thực tế), thả thính (dụ dỗ), bốc hơi (biến mất), dở hơi tập bơi, bó tay.com, phê như con tê tê, buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián...

Ngoài ra, còn có những kiểu viết được mã hóa hoàn toàn với các dấu *, #, @,... khiến người đọc không thể đoán ra; Hoặc đổi chữ, phổ biến là cách nói: “khum” (không), “goy” (rồi), “sonq” (xong), “chằm Zn” (“chằm kẽm” nghĩa là trầm cảm), “chếc gồi” (chết rồi)...

Bên cạnh đó, những từ mang nguồn gốc tiếng Anh du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ đón nhận nhanh chóng. Phổ thông nhất trong tiếng Anh là từ “Goodnight” được các bạn trẻ viết tắt là “G9” mang ý nghĩa chúc ngủ ngon.

Kiểu ngôn ngữ “tự chế” này đang rất phổ biến và thịnh hành trong giới trẻ. Dù không theo bất cứ quy ước nào, nhưng kiểu ngôn ngữ “tự chế” lại được nhiều bạn trẻ dễ dàng nhận biết. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn cho rằng, sử dụng ngôn ngữ mạng là sành điệu, theo kịp thời đại, vì nhanh, nhấn trực tiếp vào nội dung chính, không cần suy nghĩ cấu trúc câu. Tuy nhiên, việc lạm dụng ngôn ngữ mạng sẽ tạo nên tính cẩu thả, dẫn đến những bất lợi trong kỹ năng giao tiếp, làm cho người nhận, người đọc khó chịu. Ngoài ra, thật đáng lo ngại khi việc nói tục, chửi bậy còn được không ít bạn trẻ che đậy dưới lớp ký hiệu đang đầy rẫy trên mạng xã hội. 

Do quen sử dụng nên thi thoảng học sinh còn vô tình đưa ngôn ngữ mạng vào bài kiểm tra, bài thi. Như vậy, sự lệch chuẩn này không chỉ xem xét ở góc độ trẻ trung, mới mẻ nữa. Trong một chừng mực nào đó, người lớn và đặc biệt là những người làm giáo dục có lý do để quan ngại.

Cô Trần Thị Ngọc Hân (giáo viên dạy Tiếng Anh, Trường Tiểu học Hồ Văn Huê, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, Long An) cho biết: “Tôi thường dạy học sinh cách học tiếng Việt và tiếng Anh song song với nhau và nghĩa của hai tiếng này phải đồng nghĩa, diễn đạt đúng ngữ cảnh, nội dung học tập, không được phép biến tấu làm mất đi bản chất của hai ngôn ngữ. Việc các em sử dụng các ngôn ngữ ký hiệu ở mức vừa phải thì tạo nên sự vui vẻ, hứng thú trong học tập, cuộc sống. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thì sẽ làm mất đi sự trong sáng giữa các ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng”.

Theo một số chuyên gia giáo dục, nếu giới trẻ thường xuyên sử dụng ngôn ngữ “tự chế” sẽ không chỉ đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt trong việc trình bày ý tưởng cũng như khi thể hiện văn bản, gây bất lợi trong quá trình học tập và làm việc. Theo các nhà nghiên cứu, các ngôn ngữ “tự chế” của giới trẻ là biến thể thiếu chuẩn mực của tiếng Việt - cả ở bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.

Chung tay giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

"Ảo tung chảo" ngôn ngữ chat, tự chế và trào lưu tiếng lóng mạng xã hội - 2
Dạy trẻ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Khang, tác giả cuốn sách “Ngôn ngữ mạng - Biến thể ngôn ngữ mạng tiếng Việt”: “Để giảm mặt tiêu cực của ngôn ngữ mạng, phụ huynh nên quan tâm, nói chuyện với con cái nhiều hơn; thầy cô cũng sát sao uốn nắn các em hơn để giảm thiểu những mặt tiêu cực của tiếng l óng, giúp thế hệ trẻ sử dụng tiếng Việt cho chính xác nhất, trả lại sự trong sáng cho tiếng Việt”.

Thực tế, trong giáo dục, định hướng học sinh về sử dụng ngôn ngữ, cách thức giao tiếp, ứng xử thì trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh rất quan trọng. Qua các giờ học, giáo viên cần quan tâm, uốn nắn cách diễn đạt của học sinh; Khơi gợi cho học sinh niềm tự hào đối với tiếng Việt, giúp các em có ý thức giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Các thầy cô giáo dạy Ngữ văn trong trường phổ thông, bên cạnh các tác phẩm bắt buộc phải học trong chương trình, nên giới thiệu với học sinh các tác phẩm cần đọc, phù hợp với từng lứa tuổi của các em. Khuyến khích các em đến với tác phẩm văn học phù hợp, qua vẻ đẹp của ngôn ngữ âm nhạc, qua tục ngữ, ca dao, dân ca...

Với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhà trường cần quan tâm, giáo dục, hướng dẫn kỹ hơn cho học sinh về cách thức trao đổi, ứng xử trên môi trường mạng. Đặc biệt, là vai trò nêu gương của nhà giáo trong việc thực hiện quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch ngay từ lời nói để học trò noi theo. Còn ở mỗi gia đình, phụ huynh cần tăng cường quản lý, giám sát và rèn con trong giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ cả ở đời sống hằng ngày và cả trên mạng xã hội. 

Có thể nói, chỉ khi tất cả xã hội cùng vào cuộc giúp trẻ em cảm nhận và tiếp nhận được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, thì những biểu hiện lệch chuẩn mới từng bước bị đẩy lùi.

Hoài Phi

Ấn phẩm Vì trẻ em số 17

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...
Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

(VTE) - Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tâm sinh lý, nhận thức và hành vi của trẻ.