Theo đó, bé N.K.N. (30 tháng tuổi), cân nặng 9 kg, nhập viện với chẩn đoán câm điếc bẩm sinh và có vấn đề về viêm tai.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ bệnh viện tiến hành hội chẩn nhiều lần để tìm giải pháp tốt nhất để phù hợp với tình trạng sức khỏe cháu bé. Ê-kíp đã chỉ định phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho bé.
Nhờ quyết tâm và nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, bé được chỉ định cần phải thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử.

Tham gia ca mổ có Phó Giáo sư - Tiến sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cùng đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết ca mổ diễn ra thành công. Hiện vết mổ của bệnh nhân đã khô, ổn định.
Trong thời gian tới, bé N. có thể tập nói, giao tiếp như trẻ bình thường. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên toàn bộ chi phí ca mổ cho bé N. được các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ.

Được biết, hiện nay phẫu thuật cấy ốc tai điện tử được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Phương pháp cấy ốc tai điện tử được chỉ định trong các trường hợp trẻ em khiếm thính bẩm sinh. Trẻ bị điếc nặng, điếc sâu thường kèm theo câm do không tiếp nhận được âm thanh, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ, sinh hoạt xã hội và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Rào cản lớn nhất là chi phí một ca cấy ốc tai điện tử khoảng lên đến 200-600 triệu đồng ở một bên tai do thiết bị quá đắt tiền, vượt quá khả năng của nhiều gia đình.
"Cấy ốc tai điện tử là phẫu thuật cấy ghép hệ thống điện tử phức tạp vào tai trong để kích thích dây thần kinh thính giác chuyển các xung động thần kinh lên não khiến người điếc nghe được âm thanh. Trẻ được cấy điện cực ốc tai càng sớm thì sự phát triển ngôn ngữ càng cao, tốt nhất trước 6 tuổi", BS. Thành chia sẻ.