Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Giáo dục, bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh đã và đang hình thành nên lớp trẻ biết trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, nhiều trường học, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa địa phương vào giờ học ngoại khóa, giúp các em học sinh nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

trai nghiem nghe det truyen thong dtoc Cham.jpg
Học sinh trải nghiệm thực tế nghề dệt truyền thống của dân tộc Chăm.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa các dân tộc

Nhằm khắc phục tình trạng hiểu biết của học sinh dân tộc thiểu số về văn hoá dân tộc còn hạn chế, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đưa giáo dục văn hóa dân tộc vào trong trường học.

 Theo đó, các nhà trường thực hiện thường xuyên tích hợp văn hóa dân tộc qua các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Đồng thời, lồng ghép tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như thành lập các câu lạc bộ (CLB) tổ chức truyền dạy hát then, đàn tính, múa sư tử mèo...

Đến nay, cả tỉnh có 23 trường ở cấp tiểu học, THCS, THPT đã và đang tổ chức truyền dạy và thành lập được các CLB hát then, đàn tính, múa sư tử mèo, thu hút trên 400 học sinh theo học.

Cùng đó, các trường phổ thông còn thành lập được gần 200 CLB di sản văn hóa dân gian. Ngoài sinh hoạt thường kỳ, các CLB này còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi HS như tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, làm video, thuyết trình về di sản bằng tiếng Anh… thu hút sự tham gia của nhiều HS.

Nhiều trường học còn tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham quan, tìm hiểu thực tế tại các địa điểm có nét văn hóa của địa phương; tổ chức các trò chơi dân gian trong khuôn viên trường học.

Trung bình mỗi năm học, các trường trong tỉnh tổ chức được trên 1.200 hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa truyền thống.

Thầy Nông Ngọc Hồi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn, TP Lạng Sơn cho biết: “Hằng năm, trường đều tổ chức nhiều hoạt động đưa văn hóa dân tộc vào trường học trong các ngày lễ, ngày khai giảng, lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, qua đó thu hút đông đảo học sinh tham gia. 

Việc làm này đã tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, lý thú, giúp các em được tiếp cận và hiểu hơn những giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền của dân tộc”.

Nhờ được tiếp cận với các hoạt động văn hóa truyền thống, học sinh các cấp trong tỉnh có cơ hội nâng cao hiểu biết và có ý thức giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình, đồng thời được giao lưu, biết và tôn trọng văn hóa của các dân tộc khác.

Em Mai Văn Sơn, lớp 11A3, Trường THPT Văn Lãng, huyện Văn Lãng cho biết: “Em rất vui khi được học các tiết học có lồng ghép giảng dạy về văn hoá địa phương, nhất là các tiết ngoại khoá trải nghiệm về văn hoá dân tộc.

Tại đây chúng em được giao lưu, học hỏi thêm về văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc khác thông qua các hoạt động như: thi văn nghệ, biểu diễn trang phục truyền thống... Từ đó, chúng em có ý thức hơn trong gìn giữ, phát triển các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

GV HS xem trung bay di san va le hoi tai Binh Thuan.jpg
Giáo viên hướng dẫn học sinh xem hình ảnh trưng bày di sản và lễ hội tại Bình Thuận.

Khơi dậy ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa

Trường THCS DTNT Như Xuân (Thanh Hóa) có nhiều giải pháp định hướng, giúp học sinh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thầy giáo Lê Sỹ Hiệu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với đặc thù là ngôi trường chuyên biệt, là mái nhà chung cho con em các dân tộc Thái, Mường,… nên việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được xem là nhiệm vụ quan trọng.

Vì vậy, trước khi học sinh nhập học, nhà trường đều quy định mỗi em phải chuẩn bị 1 bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình để mặc vào thứ 2 hằng tuần, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể và các ngày lễ lớn của dân tộc”. 

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa, sinh hoạt đội cho các em tập hát các làn điệu dân ca, thi nhảy dân vũ, các trò chơi, trò diễn truyền thống, như: ném còn, nhảy sạp, ô ăn quan, đi cà kheo, khua luống, cồng chiêng...

Trường đã thành lập đội văn nghệ và tổ chức cho các em giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao với các trường trong huyện. Ngoài ra, Nhà trường còn sưu tầm, tập hợp, trưng bày, giới thiệu những tài liệu, hiện vật có liên quan đến văn hóa các dân tộc, như: trang phục, trang sức, các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, nỏ, cồng chiêng... 

Thông qua những cách làm hay đó đã khơi dậy cho các em học sinh ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thời gian qua, Trường PTDTNT tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động để học sinh có cơ hội thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc mình, tạo sự giao thoa văn hóa trong học đường.

Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhiều hoạt động được nhà trường triển khai, như: Tạo điều kiện cho học sinh tham gia lễ hội truyền thống của địa phương, cuộc thi tìm hiểu về bản sắc văn hóa vùng dân tộc, khích lệ, động viên các em phát huy giá trị của văn hóa dân tộc mình trong cuộc sống”.

Trường luôn tạo điều kiện cho học sinh tham gia các dịp lễ hội, giúp các em có cơ hội hòa mình vào không gian lễ hội và các hoạt động thể thao của địa phương mình.

Thực tế cho thấy, việc quan tâm, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho HS về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó, giúp các em biết lựa chọn, học hỏi những nét đẹp văn hóa dân tộc, biết đấu tranh xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội.

Những năm gần đây, trường không có học sinh bỏ học giữa chừng để lập gia đình. Số học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng ngày càng tăng.

Kim Liên

Ấn phẩm Vì trẻ em số 12